Xác định hiệu suất năng lượng của cây nước nóng lạnh theo TCVN 13973:2024

Cây nước nóng lạnh là thiết bị gia dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình, giúp cung cấp nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng hằng ngày của các thành viên. Cây nước nóng lạnh là một thiết bị dùng để cung cấp nước nóng và nước lạnh chung một máy. Sản phẩm kết hợp chức năng của một máy lọc nước, một bình đun nước và một máy làm lạnh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước đa dạng của người dùng.

Cây nước nóng lạnh thường có thiết kế gọn nhẹ với một bồn nước chứa và hệ thống bơm nước. Bên cạnh đó, máy còn sở hữu công nghệ lọc nước tiên tiến có khả năng loại bỏ các tạp chất, vi khuẩn và các chất ô nhiễm khác, đem đến cho gia đình nguồn nước sạch đạt chuẩn, bảo vệ sức khỏe tối ưu.

Công suất của cây nước nóng lạnh ảnh hưởng đến khả năng làm nóng và làm lạnh của máy cũng như đến mức tiêu thụ điện năng. Công suất càng cao thì thiết bị càng có khả năng hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả, nhưng cũng sẽ tiêu thụ điện năng càng nhiều.

Công suất cây nước nóng lạnh thường dao động từ 400W đến 800W, tùy thuộc vào công nghệ làm lạnh và nóng được sử dụng. Đây là mức công suất đảm bảo người dùng có được nước nóng ở mức nhiệt tối đa khoảng 95 độ C và nước lạnh ở mức nhiệt khoảng 15 độ C.

Theo ước tính trung bình, công suất tiêu thụ điện của một cây nước nóng lạnh khoảng 0.5-1 kWh cho mỗi lít nước, khoảng 2,8 kW một ngày, 19,6 kW một tuần, 84 kW một tháng và 1022 kW một năm. Mức tiêu thụ này có thể thay đổi tùy theo các yếu tố. Theo đó khi xác định hiệu suất năng lượng giúp người tiêu dùng dễ dàng biết cách lựa chọn và sử dụng sản phẩm của mình vùa an toàn, vừa tiết kiệm điện thì các nhà sản xuất nên tuân theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13973:2024.

Xác định hiệu suất năng lượng cây nước nóng lạnh theo tiêu chuẩn dựa trên công suất điện tiêu thụ trong một ngày ở chế độ không lấy nước. Ảnh minh họa

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13973:2024 về Cây nước nóng lạnh – Hiệu suất năng lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố hướng dẫn mức hiệu suất năng lượng và phương pháp xác định hiệu suất năng lượng của cây nước nóng lạnh hoạt động bằng nguồn điện lưới, dùng trong gia đình và các mục đích tương tự. Thiết bị có thêm chức năng cấp nước có ga, nước kiềm hoặc nước có hương liệu cũng thuộc phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho thiết bị cung cấp nước có áp suất hoặc thiết bị không được lắp đặt độc lập (tức là loại treo tường, lắp bên dưới bồn rửa hoặc tích hợp vào công trình, thiết bị có nguồn cấp nước không phải từ nước đóng chai; các thiết bị có chức năng chính là cung cấp đá; và thiết bị làm lạnh nước không phải bằng máy nén).

Theo đó cây nước nóng lạnh là thiết bị lắp đặt độc lập, tiêu thụ năng lượng để làm mát và/hoặc gia nhiệt nước uống.Thiết bị chỉ cung cấp nước lạnh. Thiết bị cung cấp nước lạnh và nước ở nhiệt độ phòng. Thiết bị có nước nóng và lạnh được bảo ôn về nhiệt được chứa trong các bình đặt bên trong thiết bị. Nước bảo ôn có sẵn ngay khi cần sử dụng. Cây nước nóng lạnh loại gia nhiệt khi có yêu cầu (tức là không có bình chứa nước nóng), thường mất vài phút để cấp nước. Thiết bị này sử dụng bình chứa chỉ để bảo ôn và cấp nước lạnh.

Yêu cầu về hiệu suất năng ượng tối thiểu của cây nước nóng lạnh được xác định dựa trên công suất điện tiêu thụ trong một ngày ở chế độ không lấy nước.

Hiệu suất năng lượng tối thiểu của cây nước nóng lạnh được xác định bằng công suất tiêu thụ điện ở chế độ không lấy nước. Công suất tiêu thụ được xác định không được nhỏ hơn giá trị quy định ứng với từng loại thiết bị.

Cây nước nóng lạnh loại cấp nước lạnh và nước ở nhiệt độ thường bằng hương pháp bảo ôn thì công suất tiêu thụ điện ở chế độ không lấy nước phải nhỏ hơn hoặc bằng 0,16kwh/ngày; Cây nước nóng lạnh loại cấp cả nước nóng và nước lạnh và cây nước nóng lạnh loại cấp nước nóng, nước lạnh và nước ở nhiệt độ thường có bảo ôn thì công suất tiêu thụ điện ở chế độ không lấy nước nhỏ hơn hoặc bằng 0,80kwh/ngày; Cây nước nóng lạnh loại cấp cả nước nóng và nước lạnh và cây nước nóng lạnh loại cấp nước nóng, nước lạnh và nước ở nhiệt độ thường gia nhiệt nước khi có yêu cầu thì công suất tiêu thụ điện ở chế độ không lấy nước phải nhỏ hơn hoặc bằng 0,18kwh/ngày.

Điều kiện thử nghiệm ở nhiệt độ môi trường: 23 °C ± 2 °C. Độ ẩm tương đối của không khí: 10 % RH đến 80 % RH. Điện áp nguồn: 220 V ± 1 %. Tần số nguồn: 50 Hz ± 0,5 Hz.

Thiết bị đo công suất phải có độ phân giải phù hợp với giá trị cần đo: 0,01 W đối với các giá trị đo nhỏ hơn 10 W; 0,1 W đối với các giá trị đo từ 10 W đến 100 W; 1,0 W đối với các giá trị đo lớn hơn 100 W; và 10 W đối với các giá trị đo nhỏ hơn 1,5 kW.

Phương pháp xác định cho thiết bị hoạt động trong 24h, ở chế độ không lấy nước. Nguồn nước được lắp đặt như quy định của nhà chế tạo, với lượng nước đủ cho hoạt động bình thường nhưng không lấy nước. Khoảng thời gian 24h được bắt đầu ngay khi bắt đầu chu kỳ của máy nén hoặc bộ gia nhiệt. Nếu sau 24h, máy nén hoặc bộ gia nhiệt vẫn còn đang trong chu kỳ trước đó thì phép đo được tính cho đến khi kết thúc tất cả các hoạt động và thời gian tăng thêm được ghi lại và đưa vào tính toán.

Nếu thiết bị có bộ hẹn giờ tự động, cảm biến vị trí, hoặc chức năng khác để giảm số giờ hoạt động trong một ngày, và các chức năng này có thể làm mất hiệu lực thì thiết bị được thử nghiệm với các chức năng này được làm mất hiệu lực. Nếu không thể làm mất hiệu lực của các chức năng này, thiết bị phải được thử nghiệm ở trạng thái như được giao và việc không thể làm mất hiệu lực của các chức năng phải được ghi vào báo cáo.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích