Nâng cao năng suất chất lượng ngành dệt may dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ứng dụng khoa học công nghệ và tiêu chuẩn chất lượng đối với ngành dệt may. Ảnh minh họa

Ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo vào ngành dệt may

Những nỗ lực đổi mới sáng tạo và đầu tư vào công nghệ hiện đại đã giúp nhiều doanh nghiệp dệt may tự động hóa các công đoạn sản xuất, giảm thời gian và lao động, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa. Ví dụ điển hình, Tổng Công ty May Bắc Giang LGG và Công ty Cổ phần May Hưng Việt đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào khâu chuẩn bị sản xuất, kết hợp với các thiết bị hiện đại như máy nhồi lông vũ tự động, máy trần vải tự động, máy cắt vải tự động, và máy dán đường may tự động. Kết quả là giảm từ 30% đến 45% thời gian và lao động trong quá trình chuẩn bị may, từ đó tăng năng suất và chất lượng sản phẩm đáng kể.

Về việc áp dụng các tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp, theo TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TCĐLCL), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực và tăng hiệu quả sản xuất thông qua việc áp dụng hệ thống quản lý điều hành sản xuất MES (Manufacturing Execution System). Đây là một bước tiến quan trọng giúp hơn 150 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trọng điểm trên cả nước áp dụng đồng bộ các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất. 

Hỗ trợ hơn 200 doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn ISO 45001 về an toàn sức khỏe và nghề nghiệp, ISO 27001 an toàn thông tin, ISO 31000 về quản lý rủi ro; ISO 17025 cho phòng thử nghiệp.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tích cực áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia để cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về dệt và may mặc đã được xây dựng với khoảng 313 tiêu chuẩn, trong đó nổi bật là các tiêu chuẩn xác định các chất độc hại tồn dư trong sản phẩm dệt may như: TCVN 12512-1:2018; TCVN 12512-3:2018; TCVN 7421-1:2013; TCVN 7421-2:2013. Các tiêu chuẩn này chủ yếu dựa trên tiêu chuẩn quốc tế (ISO) và tiêu chuẩn châu Âu (EN), giúp các doanh nghiệp dễ dàng hội nhập vào thị trường quốc tế.

TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dệt may là 17,2% mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 35,3 tỷ USD, năm 2021 đạt 40,5 tỷ USD, và năm 2022 đạt 44,4 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp trong ngành đã tăng từ 5,8 nghìn doanh nghiệp năm 2010 lên hơn 13,8 nghìn doanh nghiệp vào năm 2021. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp đã tuân thủ Quy định REACH của EU, áp dụng bộ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14000 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải QCVN 13:2008/BTNMT.

Xanh hóa và phát triển bền vững

Việc áp dụng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội cũng được chú trọng để đảm bảo hội nhập bền vững với các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU. Các tiêu chuẩn như SA8000, WRAP, và BSCI đã giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các thị trường này. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn sử dụng Chỉ số Higg của Hiệp hội May mặc bền vững để tự đánh giá tác động môi trường và xã hội.

TS. Hà Minh Hiệp nhấn mạnh rằng năng suất tính theo giá trị gia tăng của ngành dệt may Việt Nam vẫn còn thấp. Do đó, các doanh nghiệp cần đổi mới sản phẩm, quy trình, marketing, và áp dụng các tiêu chuẩn để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.

Ngành dệt may Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN và các nỗ lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đầu tư vào khoa học công nghệ và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng và trách nhiệm xã hội. 

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích