Cơ chế “thoáng” cần giải quyết “thông”!

Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi điều kiện cho vay trả lương ngừng việc theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cơ chế “thoáng” cần giải quyết “thông”!
Doanh nghiệp mong muốn các khoản hỗ trợ từ gói tín dụng về vay trả lương ngừng việc cần phải giải ngân nhanh hơn nữa (Ảnh minh họa HNM)

Theo đó, các điều kiện cho vay với gói trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất (7.500 tỷ đồng) sẽ được giảm thiểu tối đa. Cụ thể, sẽ bỏ điều kiện không có nợ xấu và bỏ điều kiện phải có thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động (đối với khách hàng hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần chứng minh ngừng việc, đóng cửa do dịch bệnh là có thể tiếp cận gói vay này.

Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2021, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng đối với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn để trả lương 130.741 lượt người lao động.

Như vậy, sau hơn 3 tháng triển khai, gói cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất này mới giải ngân được hơn 6%. Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do NHCSXH tổ chức ngày 17/8/2021, nhiều doanh nghiệp và địa phương phản ánh gặp nhiều vướng mắc.

Theo phản ánh của một số địa phương, như tỉnh Quảng Ninh một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hoạt động vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng gặp vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ do theo quy định tài chính ngân sách không có chứng từ liên quan đến quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Do đó, hơn 20 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trên đang có nhu cầu vay vốn trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng không thể hoàn thiện hồ sơ.

Tương tự, một số doanh nghiệp cũng cho hay, dịch Covid-19 xảy ra khiến doanh nghiệp mất thanh khoản dòng tiền, không thể trả nợ đúng hạn trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng được ngân hàng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, vì vướng nợ xấu, doanh nghiệp không thể tiếp cận gói vay 7.500 tỷ đồng. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị nên bỏ quy định không có nợ xấu.

Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 ập đến, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 68 ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tiếp đó là Quyết định số 23. Song đến nay, gói hỗ trợ vay trả lương ngừng việc trị giá 7.500 tỷ đồng vì những “vướng mắc” về quy định mà tỷ lệ và tiến độ giải ngân bị quá chậm.

Bởi vậy, việc NHNN cùng các bộ, ngành liên quan tiến hành sửa điều kiện vay trả lương ngừng việc gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng theo hướng bỏ điều kiện không có nợ xấu, không yêu cầu quyết toán thuế… là mở ra cơ chế “thoáng” còn điều kiện cần thêm nữa là quá trình giải quyết phải thật “thông”. Nếu không, doanh nghiệp vẫn cứ phải đợi chờ…

L.H

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích