Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Tham gia bảo hiểm tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản
Theo Luật, lao động nữ sinh con, lao động nam có vợ sinh con có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con, thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản. Nếu cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản.
Nếu người lao động vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và vừa đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nếu người mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và cha được hưởng theo bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ảnh minh họa: Chinhphu.vn |
Mức trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra, và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ. Ngân sách nhà nước bảo đảm trợ cấp thai sản và Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Luật cũng quy định, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.
Mức lương hưu hằng tháng với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Mức lương hưu hằng tháng với lao động nam bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn quy định bằng 0,5 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mức trợ cấp bằng 2 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định, kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu.
Mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính bằng bình quân các mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.
Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Nguồn: Báo lao động thủ đô