Khánh Hòa: Đảo Trí Nguyên “chật vật” vì thiếu nước sạch
Chắt chiu từng giọt nước
Có mặt tại đảo Trí Nguyên, chúng tôi chứng kiến hàng nghìn người dân đang xách can, thùng, xếp hàng chờ tới lượt lấy nước về sử dụng. Gần 1 tuần qua, tuyến ống HDPE DN 200 vượt biển, cấp nước sạch cho đảo Trí Nguyên, đảo Hòn Tằm gặp sự cố.
Thời tiết đang bước vào mùa cao điểm nắng nóng. Đây cũng là thời điểm khách du lịch đổ về đảo tham quan khá đông. Việc thiếu nước sinh hoạt không những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, du lịch trên đảo. Để giải quyết tạm thời, phía đơn vị cấp nước sạch chủ động sử dụng tàu để chở nước từ đất liền ra cấp cho người dân nhưng đời sống sinh hoạt của bà con vẫn gặp nhiều khó khăn.
Người lớn thì xô to, trẻ nhỏ thì can bé, vật dụng nào có thể đựng nước đều được người dân mang ra để tích trữ. Ảnh: Hương Thảo |
Gặp chúng tôi trong tình trạng mướt mát mồ hôi sau chuyến gánh nước buổi sáng, ông Trần Dậu (70 tuổi) cho hay, những ngày này, cảnh người dân “rồng rắn” xếp hàng gánh nước đã trở nên quen thuộc. Ai cũng tranh thủ đi từ sáng sớm hoặc vào giờ trưa để xách nước về dùng. Những gia đình già cả, neo đơn phải nhờ người đi lấy nước rất bất cập: “Cái nắng như đổ lửa dội xuống mà lại oằn mình đi gánh nước khiến cơ thể tôi đau nhức. Mỗi gánh nước mất gần 20 phút, chưa tính thời gian ngồi chờ. Số nước này gia đình tôi dùng để nấu ăn và những nhu cầu cần thiết nhất. Đúng là không có gì khổ bằng thiếu nước”.
Cũng theo ông Dậu, để bù đắp thêm nguồn nước bị thiếu, một số gia đình đã khơi thông lại giếng để sử dụng, dẫu biết nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh, nhưng người dân cũng buộc phải dùng để tắm rửa, giặt giũ vì không còn cách nào khác. Chung tình cảnh, gia đình chị Ngô Thị Vi (40 tuổi) đang thi công sửa sang lại một số hạng mục ngôi nhà cũng phải tạm thời cho nhân công dừng làm việc vì không có nước dùng để trộn vữa xây, trát.
“Mọi người khuyên tôi nên tìm cách chuyên chở thêm nước để kịp tiến độ hoàn thành theo đúng kế hoạch, nhưng làm lụng thì khó ra tiền nếu theo cách đó thì tốn kém lắm. Gia đình tôi đành chấp nhận trễ tiến độ, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, chỉ mong sự cố hư hỏng đường ống sớm khắc phục”, chị Vy bày tỏ.
Ngoài nỗi lo thiếu nước của bà con thì nỗi lo nước sinh hoạt phục vụ du lịch cũng quan trọng không kém, hầu hết du khách tham gia du lịch trên đảo đều tắm biển nên nhu cầu về tắm rửa nước ngọt rất lớn. Ông Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thiên Hà cho biết, Công ty có Khu du lịch phục vụ du khách trên đảo Trí Nguyên, để có nước đảm bảo phục vụ cho du khách, phía công ty chủ động mua bình dự trữ nước và dùng cano chở nước sạch từ đất liền ra đảo. Cứ mỗi chuyến chở được khoảng 5 khối nước.
Những ngày ghi nhận tình trạng thiếu nước tại đảo Trí Nguyên, không ít người đã tỏ ra bối rối khi thấy phóng viên đến phỏng vấn. Nhiều người chia sẻ rằng, đã có nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm vận chuyển hàng trăm bình nước sạch đến đảo Trí Nguyên để người dân có nước uống trong thời gian chờ sửa chữa đường ống nước. Mỗi người dân đều mang suy nghĩ không rõ khi nào nước sạch mới được cấp trở lại. Và nếu tình trạng này kéo dài, không rõ mọi người còn cầm cự được bao lâu.
Cần những giải pháp lâu dài
Liên quan vấn đề này, ông Trần Quang Thịnh – Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang cho rằng: “Việc vỡ ống nước biển vào ngày 27/6, cũng đã phần nào gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động kinh doanh du lịch trên đảo. Phường chủ động thông báo cho người dân về sự cố ngừng cấp nước để có biện pháp dự trữ, sử dụng nước tiết kiệm trong khi chờ Công ty Cổ phần cấp thoát nước tỉnh Khánh Hoà khắc phục”.
Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên thông tin thêm, tuy là cư dân thành phố, nhưng do đặc thù ở đảo nên nhu cầu về nước ngọt của người dân tăng cao hơn, nhiều năm trước người dân sống trong cảnh thiếu nước sạch nghiêm trọng. Đến năm 2017, hệ thống cấp nước được xây dựng, vòi nước sạch chảy về đến tận nhà, người dân trên đảo mới có đủ nước sạch để sử dụng.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Khánh Hoà, đơn vị phối hợp lực lượng biên phòng sử dụng tàu thuyền chở nước sạch từ đất liền ra đảo cung cấp miễn phí cho người dân tại bến tàu Trí Nguyên trong thời gian khắc phục sự cố. Đồng thời, thuê thợ lặn để khắc phục sự cố vỡ đường ống. Tuy nhiên, việc khắc phục tuyến ống vượt biển rất khó khăn, phức tạp.
Cư dân từ các cháu nhỏ đến cụ già cũng phải chật vật xếp hàng dài chờ nhận nướcsạch trong những ngày qua. Ảnh: Hương Thảo |
Qua tìm hiểu, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho đảo Trí Nguyên khoảng 40 tỷ đồng. Đường ống nước bắt nguồn từ khu An Viên, đưa lên phía nam đảo Trí Nguyên. Nước được bơm lên một bể chứa trên đỉnh núi rồi mới đấu nối ống nước về cho các hộ dân trên đảo.
Theo quan sát thực tế, những ngày nắng nóng đỉnh điểm, đường ống cấp nước sạch gặp sự cố, nếu thời gian khắc phục càng chậm sẽ khiến sinh hoạt, kinh doanh của người dân càng bị xáo trộn, mệt mỏi. Việc dùng tàu, thuyền chở nước cung cấp cho người dân cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Cùng với đó, một bộ phận người dân không xây dựng bể nước dự phòng nên khi xảy ra sự cố, người dân dễ rơi vào trạng thái bị động.
Thiết nghĩ, vỡ đường ống cung cấp nước là điều không ai mong muốn,đơn vị có trách nhiệm cần có các biện pháp tổng thể, rà soát toàn bộ hệ thống cấp nước, đưa phương án bảo trì, chủ động khắc phục sớm sự cố có thể xảy ra. Tránh để lặp lại “điệp khúc” sẽ còn có những lần vỡ tiếp theo khiến hàng nghìn người dân trên đảo Trí Nguyên thấp thỏm, lao đao vì mất nước đột ngột.
Thiếu nước sinh hoạt khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nhiều. Hằng ngày bà con đều phải bố trí nhân lực, thời gian đi vận chuyển nước bằng can về nhà. Có những ngôi nhà trên núi thì quãng đường xa, nhiều dốc, đá lởm chởm rất tốn sức.Đối với trường học tình trạng thiếu nước cũng khiến việc học tập, sinh hoạt của học sinh gặp không ít khó khăn. Các nhà vệ sinh trong trường không có nước dùng, cây lá không có nước tưới nên bắt đầu xơ xác. Người dân đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương để có thể sớm khắc phục tình trạng khó khăn này.
Gặp chúng tôi trong tình trạng mướt mát mồ hôi sau chuyến gánh nước buổi sáng, ông Trần Dậu (70 tuổi) cho hay, những ngày này, cảnh người dân “rồng rắn” xếp hàng gánh nước đã trở nên quen thuộc. Ai cũng tranh thủ đi từ sáng sớm hoặc vào giờ trưa để xách nước về dùng. Những gia đình già cả, neo đơn phải nhờ người đi lấy nước rất bất cập: “Cái nắng như đổ lửa dội xuống mà lại oằn mình đi gánh nước khiến cơ thể tôi đau nhức. Mỗi gánh nước mất gần 20 phút, chưa tính thời gian ngồi chờ. Số nước này gia đình tôi dùng để nấu ăn và những nhu cầu cần thiết nhất. Đúng là không có gì khổ bằng thiếu nước”. |
Hương Thảo
Nguồn: Báo lao động thủ đô