Công nghệ xử lý chất thải tuần hoàn, khép kín tại BIWASE
Công nghệ xử lý chất thải tuần hoàn, khép kín tại BIWASE
Không chỉ làm đúng theo quy định, quy chuẩn của nhà nước, hơn thế nữa, Tổng công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) đã xây dựng một khu liên hợp tái chế xanh và an toàn.
BIWASE được nhắc đến như một đơn vị đi đầu trong công tác xử lý chất thải với các công nghệ hiện đại. Không chỉ làm đúng theo quy định, quy chuẩn của nhà nước mà còn hơn thế nữa, BIWASE đã xây dựng một khu liên hợp tái chế xanh và an toàn.
Bình Dương có vị trí nằm ở phía Bắc thành phố Hồ Chí Minh, cách 30 km, tương đương 1 giờ đi ô tô, với dân số 2,678 triệu dân, diện tích tự nhiên 2.694 km2 ≈ 100 người/ha (GDP đầu người ≈ 7.000 USD), có 94 đơn vị hành chính, xã, phường. Cũng như các đô thị lớn đang phát triển khác, Bình Dương phải đối mặt với vấn đề chất thải ngày một gia tăng.
Ngay từ những năm đầu được giao nhiệm vụ tiếp nhận xử lý rác (từ năm 2004) cho các đô thị Nam Bình Dương và tiến đến tiếp nhận xử lý rác cho toàn tỉnh Bình Dương, BIWASE luôn nhận thức cần học hỏi ở các nước phát triển về giải pháp xử lý rác tốt nhất, an toàn nhất nhằm tham mưu chính quyền địa phương để lãnh đạo tỉnh có cái nhìn lâu dài và ủng hộ giải pháp của công ty.
Đặc thù rác ở Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung, là rác chưa phân loại, có đủ mọi thứ, từ rác hữu cơ, rác đường phố đến rác xây dựng (sửa chữa nhà, bếp,)… mảnh kính vỡ…. Điều này dẫn đến không có công nghệ nào xử lý được nếu không phân loại ngay từ đầu. Do vậy, công ty đặt ra giải pháp xử lý được tốt thì công đoạn đầu tiên là tiếp nhận, phân loại ngay. Sau đó tùy vào đặc tính của từng loại mới đưa qua dây chuyền xử lý chuyên biệt.
BIWASE giới thiệu sơ đồ công nghệ xử lý chất thải bao gồm 8 bước:
1. Rác hữu cơ sẽ ủ làm phân hữu cơ, phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ
2.Rác nilon sẽ được tái chế
3. Sắt, thép, kim loại: sẽ được thu gom bán phế liệu
4. Vật liệu xây dựng: tập kết lại để sử dụng san nền
5. Rác khác: đốt và thu nhiệt phát điện
6. Lượng rác quá tải: tạm thời ủ lấy khí phát điện từ khí mêtan, sau đó giảm độ ẩm cũng đem ra đốt
7. Bùn thải hữu cơ: sấy làm phân hữu cơ
8. Xỉ tro, bùn thải vô cơ: phối trộn làm bê tông, cấu kiện bê tông, gạch tự chèn, lát nền, vỉa hè… phù hợp với thị trường
Việc xử lý rác tại Bình Dương là dây chuyền khép kín với nhiều phân xưởng tái chế và 3 bộ phần làm việc tích cực nhằm: Tìm kiếm nguồn kinh doanh đầu vào; Tìm kiếm nguồn tiêu thụ đầu ra: phân bón, gạch bê tông, phế liệu… cùng một đội ngũ thiết kế, gia công, bảo trì, sửa chữa thiết bị đủ mạnh để tự chủ các dây chuyền…
Để tận dụng tối đa tiềm năng từ rác thải, công ty nỗ lực tách lọc rác hữu cơ từ các hộ gia đình (do Việt Nam chưa phân loại rác tại nguồn) để phối hợp cùng bùn hữu cơ từ các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt sấy khô phối trộn làm phân hữu cơ với các dòng sản phẩm phục vụ nhiều loại cây trồng khác nhau như lúa, cà phê, cây công nghiệp, cây ăn trái… góp phần vào mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ của chính phủ, hạn chế, giảm phát thải carbon…
Qua dây chuyền phân loại, nhiều thứ khác có thể tái chế như kim loại, nilon, giấy… Tất cả những thứ không tận dụng tái chế chuyển sang đốt cùng rác công nghiệp và các phụ phẩm trong quá trình tách lọc sau khi làm phân hữu cơ thì chuyển sang đốt và kết hợp phát điện.
Thông thường các lò đốt đem tro xỉ chôn lấp, nhưng tại BIWASE, tro xỉ không đem đi chôn lấp mà được tái chế, tiếp tục cho ra các sản phẩm gạch tự chèn, bê tông tro… là những vật liệu xây dựng có ích cho xã hội.
Với công nghệ tiên tiến, tuần hoàn, khép kín, BIWASE không chỉ làm đúng theo quy định, quy chuẩn của nhà nước mà còn hơn thế nữa, đó là xây dựng một khu liên hợp tái chế xanh và an toàn.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị