“Vô tư” gộp thửa, vượt tầng tại Khu đô thị mới Vân Canh
Trung tuần tháng 6/2024, một số người dân đang sinh sống tại Khu đô thị mới Vân Canh chia sẻ về những công trình phá vỡ quy hoạch, gộp căn, vượt tầng, thay đổi công năng tại đây. Hàng loạt những hoài nghi, câu hỏi mà họ đặt ra, như: Chủ nhân Công ty Cổ phần GMS (căn số 10-11-12 LK22 Khu đô thị mới Vân Canh – PV) chắc quan hệ rộng lắm, mới có thể gộp thửa, vượt tầng, vượt mật độ, biến nhà ở thành trụ sở công ty? Không biết chủ nhân công ty này mất bao nhiêu tiền để “bôi trơn” cho những vi phạm? Chẳng hiểu chính quyền sở tại như nào mà để cho công trình vi phạm nghiêm trọng như vậy, họ bất lực hay không dám động vào?
Theo ghi nhận của PV, trụ sở Công ty Cổ phần GMS cao 6 tầng, nằm giữa dãy nhà liền kề cao 4 tầng. Đây là 3 căn nhà liền kề được chủ nhân của nó gộp thành 1, mặt tiền kính quây kín mít, bên trong chia thành nhiều phòng cho các học viên học tiếng, ăn ở sinh hoạt.
Từ 3 căn nhà liền kề xây dựng theo thiết kế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thế nhưng, không hiểu “phép thuật” nào mà 3 căn nhà này lại được hợp nhất thành một, tăng mật độ, vượt tầng, chuyển đổi công năng từ nhà ở thành trụ sở Công ty Cổ phần GMS Hà Nội. Đây là doanh nghiệp xuất khẩu lao động, hằng ngày có hàng trăm học viên theo học tiếng, học nghề và ăn ở tại đây. Trước thực trạng trên, câu chuyện phóng cháy chữa cháy tại công trình này luôn được dư luận quan tâm.
Không chỉ vậy, tại khu vực nêu trên còn xuất hiện hàng loạt những căn hộ vô tư sửa chữa khác với thiết kế ban đầu, tự ý thay đổi kết cấu công trình một cách rầm rộ, phá nát quy hoạch của cả khu đô thị. Tình trạng này đang diễn ra một cách tràn lan, ngang nhiên đến mức không cần phải che đậy, thậm chí ở căn số 59 LK22 còn đang thản nhiên dỡ tường, thay đổi thiết kế mà nếu không có sự can thiệp của chính quyền nơi đây thì chắc chắn sẽ lại là một căn nguy nga khác nữa. Thiết kế bên ngoài đã vậy, kiến trúc bên trong càng “chẳng giống ai”, phần thò ra, chỗ thụt vào, trông như chiếc “ghế tựa” khổng lồ sừng sững giữa khu đô thị văn minh, hiện đại.
Theo quan sát, căn 59 LK22 đang được chủ nhân của nó xây thêm 2 tầng (cao hơn 2 tầng so với thiết kế ban đầu được phê duyệt – PV). Mặc dù việc xây dựng diễn ra rầm rộ, ngang nhiên, nhưng không gặp bất kỳ trở ngại nào từ cơ quan quản lý nhà nước lẫn chủ đầu tư khu đô thị.
Tại khu LK24, căn số 02 sau một thời gian được sự “làm ngơ” của các cơ quan quản lý nhà nước lẫn chủ đầu tư, công trình này từ 4 tầng đã “lớn nhanh” thành 5 tầng. Không dừng lại ở việc vượt chiều cao, toàn bộ phần đất lưu không của căn hộ cũng được chủ sở hữu cấy thêm dầm, dựng cột bê tông, ghép cốt pha, xây tường không đúng với thiết kế đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tương tự, tại lô 05 và 06 BT13 cũng bị phá bỏ hoàn toàn hai căn biệt thự để gộp diện tích đất 773,5 m2 xây dựng một căn biệt thự mới hoàn toàn sai với giấy phép xin được sửa chữa. Vi phạm của chủ đầu tư đã được lập biên bản xử lý yêu cầu dừng thi công, khắc phục hậu quả phá bỏ phần sai phạm nhưng khu biệt thự vẫn hoàn thành. Được biết, chủ nhân công trình này là ông chủ của một tập đoàn bất động sản trên địa bàn Hà Nội.
Còn tại lô số 20 BT8, căn biệt thự đã được xây cơi nới thêm tầng phá bỏ toàn bộ thiết kế bên ngoài theo quy định cải tạo lại. Ngoài ra còn có hàng loạt các công trình như biệt thự 19-BT7, 16-BT11, 17-BT10 đã cơi nới tầng, phá bỏ thiết kế bên ngoài… phá vỡ quy hoạch đồng bộ Khu đô thị Vân Canh đã được phê duyệt.
Phải nhấn mạnh rằng, thời gian qua, hàng loạt vụ cháy đã xảy ra, cướp đi nhiều sinh mạng vô tội khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Trong đó phải nhắc tới vụ cháy chung cư mini tại địa chỉ số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) vào hồi 23h20 ngày 12/9/2023 khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương. Tiếp đó là hồi 0h30 ngày 24/5/2024, một đám cháy bùng lên tại ngôi nhà số 1 ngách 43/98/31 phố Trung Kính (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) khiến 14 người tử vong, trong đó 2 thành viên gia đình chủ nhà, 12 khách trọ, 6 người bị thương.
Các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này gây mất mát, đau thương quá lớn cho các gia đình có người thương vong, gây nỗi ám ảnh lâu dài đối với xã hội. Và hẳn nó cũng gây “giật mình” cho cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề đảm bảo an toàn sinh mạng cho người dân nói chung và trong công tác phòng cháy chữa cháy nói riêng.
Ngay sau sự cố hỏa hoạn xảy ra, Hà Nội đã cấp tốc yêu cầu các quận, huyện tổng kiểm tra, rà soát tất cả cơ sở nhà ở có nhiều căn hộ, nhà cho thuê trên địa bàn, đặc biệt là chung cư mini. Tuy nhiên, từ sự cố của vụ hỏa hoạn ở Thanh Xuân, Cầu Giấy… cơ quan chức năng sẽ tìm ra những nguyên do dẫn đến sự cố nghiêm trọng này. Nhưng chắc hẳn cũng không ít những bất cập trong công tác quản lý nhà nước mà trong đó sự chồng chéo về trách nhiệm cũng như thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, coi nhẹ công tác kiểm tra, giám sát.
Có thể nói, khi sự cố hỏa hoạn xảy ra, ngoài những nguyên nhân bất khả kháng thì khá nhiều vụ việc có thể nhìn thấy rõ nguy cơ hỏa hoạn từ trước bởi những bất cập, lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, PCCC. Đó là những công trình, cơ sở kinh doanh được xây dựng không giấy phép, sai giấy phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng; không đảm bảo an toàn về công tác PCCC…
Đáng tiếc, những lỗi này không được phát hiện kịp thời hoặc không được xử lý nghiêm, dứt điểm ngay từ đầu. Để rồi, khi hỏa hoạn, thương vong xảy ra, các cơ quan chức năng mới vội vã tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý (!?)
Vậy! bài học nào cho những điều đáng tiếc tương tự như trên không còn xảy ra trong tương lai. Và, câu chuyện rà soát, kiểm tra chỉ được thực hiện sau sự cố (nếu có) đối với đại công trình của Công ty Cổ phần GMS đã được cải tạo gộp lô, xây vượt tầng, chuyển đổi công năng thành trụ sở công ty, ký túc xá của hàng trăm học viên đang theo học tiếng, học nghề để đi xuất khẩu lao động (!?)
Thực trạng xây dựng vượt chiều cao, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị sẽ tạo ra tiền đề xấu, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Không thể để thói quen “mất bò mới lo làm chuồng” chạy theo các vụ việc để xử lý. Mà ngược lại, cơ quan quản lý nhà nước phải có tư duy vượt trước, có tầm nhìn xa trông rộng, phòng ngừa, ngăn chặn những mầm mống tiêu cực ngay từ lúc manh nha. Thiết nghĩ, Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức, Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị sớm vào cuộc làm rõ, xử lý công trình nói trên.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là đầu tư phát triển các khu đô thị mới và nhà ở, kinh doanh bất động sản. Thành lập từ năm 1989, tính đến nay, HUD đã và đang triển khai 25 khu đô thị mới tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đứng đầu doanh nghiệp này là ông Nguyễn Việt Hùng – Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV HUD
HUD đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con với khối cơ quan Tổng công ty, 11 Ban quản lý dự án, 02 Chi nhánh và 14 đơn vị thành viên hạch toán độc lập, 02 công ty liên kết và 02 công ty liên doanh với tổng số hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, người lao động.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu