Đà Nẵng: Tháo gỡ vướng mắc về phòng cháy chữa cháy đối với các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công
Đà Nẵng: Tháo gỡ vướng mắc về phòng cháy chữa cháy đối với các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay có 200 cơ sở thuộc nguồn vốn đầu tư công đang tồn tại khó khăn, vướng mắc về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Trước những vướng mắc đó, UBND thành phố và Công an thành phố đã có buổi đối thoại nhằm giải quyết…
Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác PCCC đã được đề cập rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên lãnh đạo thành phố, Công an thành phố và các Sở, ngành, UBND quận, huyện và Ban Quản lý dự án cùng ngồi lại với nhau để tìm giải pháp tháo gỡ để góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Trên địa bàn thành phố có tất cả 13 Ban Quản lý dự án thuộc UBND thành phố và các quận, huyện được giao làm chủ đầu tư, quản lý các dự án, công trình thuộc nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố thực hiện các thủ tục liên quan trong lĩnh vực PCCC. Các Ban Quản lý dự án đã thực hiện cơ bản đầy đủ, nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến công tác PCCC.
Tuy nhiên, vẫn còn một số Ban Quản lý dự án chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác PCCC, ủy quyền, khoán trắng cho các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu PCCC tự liên hệ, làm việc với cơ quan Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trong quá trình nộp hồ sơ, không nắm được các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, các nội dung còn tồn tại, thiếu sót chưa đảm bảo trong hồ sơ thiết kế để tổ chức khắc phục.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, trên địa bàn thành phố có 200 cơ sở thuộc nguồn vốn đầu tư công đang tồn tại khó khăn, vướng mắc về PCCC. Trong đó có 120 cơ sở giáo dục, 8 chợ, 29 chung cư, nhà tập thể, ký túc xá, 8 cơ sở y tế, 35 trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp.
Có 30 cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt về PCCC, 170 cơ sở thuộc diện thẩm duyệt về PCCC, trong đó có 106 cơ sở chưa được thẩm duyệt, 4 cơ sở đã được thẩm duyệt nhưng chưa nghiệm thu và 60 cơ sở đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC trước thời điểm QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực, hiện đang thực hiện gia tăng các giải pháp, điều kiện bảo đảm an toàn PCCC.
Từ ngày 1/1/2023 đến 15/6/2024, Công an thành phố đã tiếp nhận 149 lượt hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC của các Ban Quản lý dự án. Kết quả, có 86/112 hồ sơ thẩm duyệt đạt yêu cầu (tỉ lệ 76,79%), 28/37 hồ sơ nghiệm thu đạt yêu cầu (tỉ lệ 75,68%). Trong số đó có 93 hồ sơ ra công văn hướng dẫn, kiến nghị lần 1, 16 hồ sơ ra công văn hướng dẫn, kiến nghị lần 2 và 3 hồ sơ ra công văn hướng dẫn, kiến nghị lần 3.
Nhiều hồ sơ đã được cơ quan Cảnh sát PCCC ra công văn hướng dẫn để khắc phục nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc, không khắc phục hoặc khắc phục không đầy đủ các nội dung kiến nghị nên dẫn đến tình trạng hồ sơ phải nộp đi nộp lại nhiều lần.
Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn, kiến nghị đơn vị tư vấn thiết kế, thi công về PCCC không báo cáo chủ đầu tư dẫn đến một số hồ sơ, dự án chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, quan điểm của lãnh đạo thành phố là đối với các cơ sở, dự án, công trình đã hiện hữu cần vận dụng linh hoạt các quy định và đưa ra phương án tối ưu nhất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối với các cơ sở, dự án, công trình mới thì dứt khoát phải đúng với quy định, quy chuẩn an toàn về PCCC. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công và người dân nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC.
Công an thành phố cần tiếp tục hướng dẫn, tập huấn cho các đơn vị và người dân hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật về PCCC… Đồng thời phải cương quyết xử lý các đơn vị tư vấn thiết kế không đủ năng lực, năng lực yếu kém.
Các đơn vị này nhận nhiều công trình “chắp bên này, vá bên kia” dẫn đến không đủ năng lực, làm chậm tiến độ hoàn thành hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC phải ra văn bản kiến nghị nhiều lần, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, công trình trong đó có các công trình thuộc nguồn vốn đầu tư công, công trình trọng điểm, động lực của thành phố.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị các đơn vị liên quan, trên cơ sở các nội dung, giải pháp tháo gỡ được Công an thành phố trao đổi, hướng dẫn tại Hội nghị, khẩn trương chỉ đạo, triển khai, đẩy nhanh tiến độ khắc phục các khó khăn, tồn tại, hạn chế về PCCC, CNCH tại các dự án, công trình, cơ sở do đơn vị chủ trì tham mưu đầu tư, đầu tư, quản lý, sử dụng trên địa bàn thành phố.
Tăng cường công tác giám sát, theo dõi, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở trong thực hiện các thủ tục thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu, cấp phép về PCCC tại các dự án, công trình, cơ sở được giao chủ trì tham mưu đầu tư, đầu tư, quản lý, sử dụng; tránh tình trạng giao khoán cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ PCCC dẫn đến chậm tiến độ hoàn thành công tác cấp phép về PCCC và hiểu không đúng về thái độ phục vụ của lực lượng Công an… Tiếp tục tăng cường công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác PCCC, CNCH trên địa bàn.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị