Thúc đẩy sản xuất xanh: TP. Hồ Chí Minh tăng cường đào tạo nghề cơ khí chuẩn quốc tế

Vai trò của đào tạo nghề trong thời kỳ công nghiệp 4.0

Theo ông Trần Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE), việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 là một “giải pháp xanh” cho nền kinh tế, giúp hướng tới phát triển bền vững và hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng của quốc gia giai đoạn 2020 – 2030. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh và xuất khẩu xanh đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.

Đẩy mạnh đào tạo nghề trong lĩnh vực cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: HUTECH

PGS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ – Phó trưởng Khoa Chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong tương lai gần, lĩnh vực cơ khí – tự động hóa sẽ được phổ biến sâu rộng hơn, ngay cả trong các tác vụ hiện vẫn do con người đảm nhiệm như tương tác, truyền thông, điều phối, quản trị, tư vấn, tư duy và ra quyết định. Các công việc mới trong tương lai với chuyên môn về công nghệ như chuyên gia công nghệ học máy (Machine Learning), phân tích dữ liệu lớn, xử lý tự động hóa và robot, thiết kế giao diện người dùng và tương tác người – máy, kỹ sư cơ khí – robot và chuyên gia về thuật toán chuỗi khối… cũng sẽ tăng cao.

Nhìn vào thực trạng để đưa ra giải pháp chiến lược đào tạo nguồn nhân lực

Nhìn vào thực trạng, GS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ nhận định, thị trường tự động hóa của Việt Nam hiện nay vẫn còn khiêm tốn, nhưng giá trị của thị trường sẽ tăng nhanh trong vài năm tới do Chính phủ tích cực thúc đẩy quá trình tự động hóa.

Bên cạnh đó, theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực cao trong các ngành công nghiệp trọng điểm và dịch vụ chủ yếu chiếm hơn 78% tổng nhu cầu nhân lực của thành phố và tăng 13,06% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lĩnh vực cơ khí – tự động hóa là lĩnh vực xương sống cho mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng lao động qua đào tạo cho khu vực công nghiệp còn thiếu, đặc biệt là nhân sự công nghệ cao trong lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo.

Để giải quyết vấn đề trên, PGS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ đề xuất các giải pháp chiến lược tổng thể nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế về cơ khí – tự động hóa tại TP. Hồ Chí Minh. Cần xây dựng mới chương trình đào tạo cơ khí – tự động hóa dựa trên tư duy đổi mới và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0. Đặc biệt, cần phát triển kỹ năng số cho nguồn nhân lực, năng lực học tập suốt đời, trình độ ngoại ngữ quốc tế và đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Ngoài ra, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt tiêu chuẩn quốc tế và tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác quốc tế với các trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng là rất quan trọng.

TS. Tô Thanh Tuần – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 cho rằng các trường và cơ sở đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Các cơ sở này cần trở thành mô hình mẫu về thái độ và hành vi bền vững, với việc lực lượng lao động được đào tạo để đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng của nền kinh tế và xã hội đang xanh hóa. Cần có một khuôn khổ toàn diện để chuyển đổi các cơ sở đào tạo nghề một cách hệ thống, xây dựng và lồng ghép các tiêu chí đối với cơ sở đào tạo nghề xanh vào khái niệm các trường nghề chất lượng cao, và thực hiện chiến dịch “Xanh hóa các cơ sở đào tạo nghề”.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích