Các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đã “ngốn” hơn 34.000 tỷ đồng

Các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đã “ngốn” hơn 34.000 tỷ đồng

MTĐT –  Thứ năm, 14/10/2021 16:08 (GMT+7)

Hiện nay, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đều chậm so với dự kiến, tăng tổng mức đầu tư và đến nay chưa có dự án nào đưa vào khai thác.

Hàng loạt dự án đường sắt đô thị chậm triển khai

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.

Đối với hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, Chính phủ cho biết đang chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầu tư hai tuyến (tuyến số 1, Yên Viên – Ngọc Hồi, giai đoạn I; tuyến 2A, Cát Linh – Hà Đông); chỉ đạo UBND TP Hà Nội thực hiện đầu tư hai tuyến gồm tuyến số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.

Trong đó, tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung, giải quyết dứt điểm các vướng mắc để bàn giao cho TP Hà Nội đưa vào vận hành khai thác.

Tuyến số 1, Yên Viên – Ngọc Hồi, giai đoạn 1 đã triển khai thiết kế kỹ thuật từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, do một số vướng mắc liên quan đến kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh nên dự án đang tạm dừng triển khai.

Tuyến Nhổn – ga Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng đoạn Nhổn – Cầu Giấy, đang triển khai thi công đoạn Cầu Giấy – Ga Hà Nội.

Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đang triển khai các thủ tục điều chỉnh dự án để triển khai.

tm-img-alt
Tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đều chậm so với dự kiến. (Ảnh:Internet).

Tăng tổng mức đầu tư tới hơn 34.000 tỷ đồng

Hiện nay, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đều chậm so với dự kiến, tăng tổng mức đầu tư và đến nay chưa có dự án nào đưa vào khai thác.

Tính đến năm 2021, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội là 34.437 tỷ đồng để thực hiện đầu tư đối với 4 dự án (tuyến số 1: 2.103 tỷ đồng, tuyến số 2: 974 tỷ đồng, 2A: 15.749 tỷ đồng và tuyến số 3: 15.611 tỷ đồng).

Để thúc đẩy tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án, Chính phủ đã chỉ đạo UBND Hà Nội chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương triển khai tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo); tuyến số 3 (đoạn Nhổn – ga Hà Nội); tuyến số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc) và tuyến số 3 giai đoạn 2 (đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai).

Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện các thủ tục còn lại của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông với tổng mức đầu tư 18.001 tỷ đồng để sớm bàn giao cho thành phố đưa vào khai thác sử dụng.

Đồng thời chỉ đạo thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, tổng mức đầu tư 35.679 tỷ đồng; tuyến số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội, tổng mức đầu tư 1.176 triệu euro.

Giai đoạn từ nay đến 2026, Hà Nội dự kiến tiếp tục xây dựng tiếp tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai với chiều dài 12,5 km, trong đó, đi trên cao 8,5 km và đi ngầm 4 km.

Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội ở ga Trung tâm (có kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt quốc gia); kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; tuyến đường sắt đô thị số 4 tại vành đai 2,5; tuyến đường sắt đô thị số 8 tại vành đai 3 tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị.

Trong khi đó, tuyến số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc) dài khoảng 39 km với 21 nhà ga (6 ga ngầm và 15 ga nổi), khởi đầu từ khu vực đường Văn Cao giao với Hoàng Hoa Thám, dự án sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long.

Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), tuyến số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc – Hòa Bình.

Hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thuê tư vấn thẩm tra để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội “tuyến số 5, Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc”.

An Nhiên (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích