Cảnh báo La Nina có thể làm trầm trọng hơn mùa mưa bão ở Nam Mỹ

Cảnh báo La Nina có thể làm trầm trọng hơn mùa mưa bão ở Nam Mỹ

Các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe cần chuẩn bị các biện pháp sẵn sàng ứng phó trước sự xuất hiện của La Nina – hình thái thời tiết được dự báo sẽ làm trầm trọng thêm mùa bão.

Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo trên vào ngày 2/7, trong bối cảnh bão Beryl đang quét qua vùng biển Caribe gây thương vong và thiệt hại đối với các quốc gia trong khu vực.

Theo Trung tâm Bão quốc gia của Mỹ (NHC), Beryl là cơn bão đầu tiên trong mùa bão trên Đại Tây Dương năm 2024 và cũng là cơn bão có cường độ tối đa được ghi nhận sớm nhất từ trước đến nay trong mùa bão ở Đại Tây Dương, kéo dài từ ngày 1/6 đến ngày 30/11 hằng năm. Đến nay, siêu bão Beryl quét qua vùng biển Caribe đã làm ít nhất 6 người thiệt mạng và nhiều người mất tích, gây quan ngại khắp khu vực. Tuy nhiên, đến chiều 2/7 (giờ địa phương), bão đã giảm xuống cấp 4 sau khi đạt cấp mạnh nhất trong thang bão Saffir-Simpson gồm 5 cấp.

tm-img-alt
Tàu cá bị phá hủy do bão Beryl tại Barbados ngày 1/7/2024. Ảnh: CNN

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết hiện là thời điểm chuyển đổi từ hình thái thời tiết El Nino sang hình thái thời tiết La Nina, đồng thời cảnh báo La Nina có thể dẫn đến những thay đổi nhanh, bất thường và khó lường trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới, không chỉ riêng khu vực Mỹ Latinh và Caribe. 

La Nina là hình thái khí hậu bắt đầu bằng hiện tượng nhiệt độ biển ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương lạnh hơn bình thường. Hình thái khí hậu này liên quan đến cả lũ lụt và hạn hán cũng như làm tăng tần suất bão ở vùng Caribe. Trong khi đó, El Nino là hình thái khí hậu liên quan đến hiện tượng mặt biển ở khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương ấm lên.

Theo nhận định của giới chuyên gia, La Nina có thể gây ra những đợt hạn hán lịch sử ở Nam Mỹ, tương tự những gì đã xảy ra trong giai đoạn từ năm 2020 – 2023. 

Tại khu vực Mỹ Latinh, cả La Nina và El Nino đều đã ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt và sản lượng thu hoạch lúa mì, gạo và ngô, gây tổn hại các nền kinh tế khu vực.

Theo WMO, trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có bão, đã trở nên thường xuyên hơn và có sức tàn phá nặng nề hơn do biến đổi khí hậu.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích