Ngân hàng làm việc cả ngày nghỉ để thu thập sinh trắc học
Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, tuần tới (1/7), những tài khoản ngân hàng thực hiện giao dịch trực tuyến có giá trị trên 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày sẽ phải đáp ứng yêu cầu về xác thực sinh trắc học đối chiếu với kho dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện các ngân hàng đang hối thúc khách hàng thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học.
Ngân hàng hỗ trợ khách hàng cài đặt sinh trắc học. |
Vietcombank cho biết, khách hàng nhà băng này có thể thực hiện bằng 3 cách:
Thứ nhất, cập nhật trực tuyến thông qua kết nối App-to-App giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID. Để thực hiện, khách hàng cần có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 và cập nhật ứng dụng VCB Digibank phiên bản mới nhất. Vietcombank cho biết là ngân hàng đầu tiên khai thác Hệ thống định danh và xác thực điện tử thông qua kết nối trực tiếp giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID. Tính năng này sẽ ra mắt từ ngày 1/7.
Cách thứ hai, cập nhật trực tuyến thông qua kết nối NFC giữa căn cước công dân (CCCD) gắn chip và điện thoại. Trong quá trình thực hiện, khách hàng chỉ cần “chạm” CCCD gắn chip vào mặt sau của điện thoại để cập nhật và xác thực thông tin, đồng thời trước đó khách hàng lưu ý để sử dụng ứng dụng VCB Digibank phiên bản mới nhất.
Cách thứ ba, cập nhật trực tiếp tại các điểm giao dịch của Vietcombank. Trường hợp không có tài khoản định danh điện tử mức 2 hoặc điện thoại không có NFC hoặc chưa có CCCD gắn chip, hoặc vì một lý do nào đó mà không thể thực hiện được online, khách hàng có thể đến các điểm giao dịch của Vietcombank để cập nhật thông tin sinh trắc học.
Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank cho hay, việc lấy mẫu khuôn mặt cũng có thể mang đến 1 chút khó khăn trong thao tác khi khách hàng phải sử dụng điện thoại của mình để đọc chip NFC trên CCCD. Để hỗ trợ việc này, TPBank đã liên tục truyền thông, hướng dẫn, có các minh họa rất cụ thể cho KH để có thể tự thao tác và thực hiện.
Nếu khách hàng không tự thao tác được, TPBank cũng có đa dạng kênh hỗ trợ, song song với eBank là quầy giao dịch truyền thống/LiveBank 24/7 với các tư vấn viên hỗ trợ ngày đêm hoặc có chuyên viên khách hàng đến tận nơi để chăm sóc và hỗ trợ khách hàng thao tác.
Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, kể từ khi thực thi vào 1/7 sẽ không còn xảy ra việc “người dân đang ngủ, tài khoản bốc hơi cả trăm triệu đồng, cũng không có chuyện điện thoại nóng ran và tiền bay đi mất”.
Ngoài ra, trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của người khác để chuyển tiền chiếm đoạt cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước gắn chip.
Nguồn: Báo lao động thủ đô