Trung tâm Hành chính công tỉnh Nghệ An đẩy mạnh số hoá theo Đề án 06/QĐ-TTg

Trung tâm Hành chính công tỉnh Nghệ An đẩy mạnh số hoá theo Đề án 06/QĐ-TTg
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An nỗ lực giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt Đề án 06).

Đề án này có 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích. Đó là: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.

Đây là một Đề án có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao từ Trung ương đến địa phương trong hai năm qua. Tại Nghệ An, UBND tỉnh đã giao Giám đốc các Sở, ban, ngành tập trung rà soát, chuyển đổi, đề xuất chuyển đổi quy trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử. Rà soát, đánh giá, kiểm tra tình hình các dịch vụ công do ngành, đơn vị mình quản lý theo 53 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Lựa chọn những dịch cụ công thiết yếu, tần suất sử dụng cao gắn liền với nhu cầu hằng ngày của người dân, doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có. Tham mưu việc kết nối, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để đảm bảo đồng bộ, thực chất, hiệu quả.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Nghệ An đẩy mạnh số hoá theo Đề án 06/QĐ-TTg
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An, tiếp nhận nhiều nhất là nhóm hồ sơ: Cấp phiếu lý lịch tư pháp, cấp đổi giấy phép lái xe

Việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Nghệ An bước đầu đạt kết quả tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 74,4%; một số thủ tục hành chính có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao như các thủ tục hành chính của ngành Công an đạt 95-100%; hai nhóm dịch vụ công liên thông đạt 100%; dịch vụ công ngành Tư pháp: Đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn đạt 89,4%…

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An, nơi các thủ tục hướng đến nhóm tiện ích đầu tiên đó là giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nơi phục vụ số lượng lớn người dân đến nộp hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính, việc thực hiện đẩy mạnh hồ sơ trực tuyến và số hoá được tập trung thực hiện.

Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành cấp tỉnh được tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công gồm 1.445 thủ tục; trong đó, có 219 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 829 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ngày càng tăng, trong đó, tập trung vào các nhóm hồ sơ như: Cấp phiếu lý lịch tư pháp, cấp đổi giấy phép lái xe

Theo báo cáo của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An, hoạt động của Trung tâm nhận được sự quan tâm, đón đợi rất lớn của người dân, các cơ quan, doanh nghiệp, của lãnh đạo tỉnh, do đó, Trung tâm luôn nỗ lực để triển khai nhiệm vụ được giao. Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được thực hiện thông suốt, nhất quán, chính xác, số hoá; đảm bảo các yêu cầu trong quản lý và hoạt động của Trung tâm; thuận lợi cho việc giám sát, đánh giá chất lượng, tra cứu thông tin; cung cấp, mở rộng các kênh giao tiếp; các bước tiếp nhận, chuyển giao, xử lý hồ sơ minh bạch, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân. Kết quả số hoá thủ tục hành chính khi tiếp nhận đạt gần 50% và số hoá kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 70%.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Nghệ An đẩy mạnh số hoá theo Đề án 06/QĐ-TTg
Số lượng hồ sơ trực tuyến tăng nhanh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hoạt động của Trung tâm đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, Đề án 06 trong hai năm qua cũng đang từng bước vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, do đó còn những khó khăn, bất cập, hạn chế, yêu cầu phải sớm khắc phục, sửa đổi để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

Đẩy mạnh các giải pháp

Những tồn tại, hạn chế trong các hoạt động luôn được Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An thẳng thắn chỉ ra. Đơn cử như: Tỷ lệ hồ sơ quá hạn còn cao; hồ sơ xin rút, trả lại trong quá trình giải quyết tại một số sở, ngành vẫn còn lớn; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến còn thấp; kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị chưa bàn giao đầy đủ về Trung tâm để trả kết quả theo quy định; việc kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Hệ thống của các bộ, ngành chưa được hoàn thành, dẫn đến việc giải quyết, theo dõi, quản lý, giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, thống kê và báo cáo gặp khó khăn;

Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo thực hiện quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, cơ quan trong việc triển khai Đề án 06. Trong đó, nhấn mạnh các đơn vị thực hiện nghiêm việc đồng bộ hồ sơ thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công Quốc gia; tiếp nhận kịp thời hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng hồ sơ xử lý quá hạn, tăng tỷ lệ số hoá kết quả giải quyết và số hoá hồ sơ lên 100%, qua đó, nâng cao tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu đã được số hoá.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Nghệ An đẩy mạnh số hoá theo Đề án 06/QĐ-TTg
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An luôn quan tâm, chỉ đạo hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Đối với Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính thông qua các hệ thống điện tử và trực tiếp tại khu vực nộp hồ sơ dành cho người dân. Phối hợp với Bưu điện tỉnh cải tiến quy trình nghiệp vụ đối với hồ sơ được nộp thông qua dịch vụ bưu chính công ích để giảm thời gian bàn giao, luân chuyển hồ sơ kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng dịch vụ.

Cùng với đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh cũng đã đề nghị các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan nâng cao chất lượng hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị để hạn chế tình trạng rút/trả hồ sơ; thực hiện cơ chế tự kiểm tra đối với các hồ sơ rút/trả lại cho cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, đề nghị các Sở thực hiện nghiêm túc việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bao gồm tất cả các khâu tiếp nhận, giải quyết, thông báo trạng thái hồ sơ, kết quả giải quyết đảm bảo đúng quy định đối với các lĩnh vực đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy trình điện tử, quy trình nội bộ. Triển khai các giải pháp đối với hoạt động tiếp nhận hồ sơ đảm bảo thông suốt, tránh ùn tắc, giảm thời gian chờ đợi của người dân, tránh tình trạng người dân đi lại nhiều lần mới nộp được hồ sơ.

Quan tâm, rà soát, lựa chọn cán bộ, công chức đến làm việc tại Trung tâm. Thực hiện luân chuyển, cử cán bộ, công chức đáp ứng được năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, có đạo đức, có trình độ công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu công việc.

Mai Liễu

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích