Kích cầu du lịch bằng trải nghiệm khách sạn
Năm 2024, là năm có ý nghĩa đặc biệt kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10) với rất nhiều các sự kiện đang diễn ra và sắp diễn ra; đồng thời hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam – Việt Nam tôi yêu”. Nhằm thu hút khách du lịch nội địa đến với Hà Nội, nhất là trong dịp mùa thu hè 2024 và dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) với chủ đề “Hà Nội – Đến để yêu”; thực hiện Kế hoạch số 77/KH-SDL ngày 31/5/2024 về Chương trình kích cầu “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội” năm 2024, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ sở lưu trú 4-5 sao của Hà Nội; các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch phát động, xây dựng chương trình kích cầu “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội” để quảng bá, thu hút người Hà Nội và du khách đi du lịch tại chỗ, trải nghiệm các dịch vụ, lưu trú tại các khách sạn cao cấp ngay tại nơi mình đang sống.
Kích cầu trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội. |
Đến nay, khách sạn 4-5 sao trên địa bàn đưa ra các gói sản phẩm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch thu hút khách du lịch đến trải nghiệm khách sạn tại Hà Nội bao gồm: Các chính sách ưu đãi về giá; các gói sản phẩm dịch vụ kích cầu du lịch như combo phòng lưu trú – đặt ăn/uống/tiệc trà – gala; phòng nghỉ – hội thảo – xe đưa đón; combo ăn/uống – bơi; voucher giảm giá khi sử dụng dịch vụ,… Điển hình như gói sản phẩm “Summer Indulgence Staycation” của khách sạn de l’Opera Hanoi; sản phẩm “Kỳ nghỉ trong thành phố”, “Trà chiều sang trọng” của khách sạn Sofitel Legend Metropole, sản phẩm “Kỳ nghỉ hè vui vẻ” của khách sạn Movenpick living west Hanoi;….
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Bên cạnh việc đưa ra các gói sản phẩm lưu trú hấp dẫn, chúng tôi kỳ vọng hơn nữa sự hưởng ứng, tham gia, phối hợp của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm kích cầu thu hút khách du lịch và người dân Hà Nội trải nghiệm sử dụng dịch vụ lưu trú tại các khách sạn cao sao ở Hà Nội. Đồng thời, hình thành liên kết, hợp tác giữa cơ quan quản lý, các hiệp hội, các hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, công ty vận chuyển, điểm đến, và cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển sản phẩm du lịch của Thành phố.
Chương trình “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội” năm 2024 trong Chương trình tổng thể Kích cầu du lịch nội địa và quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội năm 2024 của Sở Du lịch Hà Nội, bước đầu góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, đồng thời tăng tỷ lệ công suất sử dụng phòng tại các khách sạn 4-5 sao trên địa bàn Thành phố. Hy vọng, chương trình Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội “sẽ là một trải nghiệm hay, hấp dẫn cho Nhân dân Thủ đô trong dịp hè 2024 và du khách đến với Hà Nội trong dịp kỷ niệm 70 năm đặc biệt này”.
Hà Nội có vị trí và địa thế đẹp, thuận lợi, là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ hàng đầu cả nước. Là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, có sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội đã trở thành trung tâm phân phối khách chủ yếu của vùng phía Bắc, đặc biệt là đối với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng.
Hà Nội hiện có 5.922 di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 2.380 di tích được xếp hạng, chiếm tỉ lệ gần 20% cả nước và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; nhiều di sản nổi tiếng có giá trị nổi bật là di tích Hoàng Thành Thăng Long, di tích Cổ Loa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, lễ hội Gióng, lễ hội chùa Hương cùng thắng cảnh Hương Sơn. Thành phố Hà Nội còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 59% tổng số làng, có 47/52 nghề của toàn quốc (có 318 làng nghề đã được Thành phố công nhận); nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời với những sản phẩm độc đáo được ưa chuộng như: gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh, khảm trai Chuyên Mỹ, đúc đồng Ngũ Xá… Đặc biệt, ẩm thực Hà Nội đã tạo được nét riêng, xây dựng và phát triển nên nền “văn hóa ẩm thực” và trở thành thương hiệu của ẩm thực Việt Nam.
Những tiềm năng, lợi thế trên là nguồn lực để ngành Du lịch Thủ đô phát triển. Ngành Du lịch Thủ đô đã tập trung đổi mới, xây dựng, phát triển các tour, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc. Trong đó, nổi bật đã ra mắt 16 sản phẩm du lịch đêm kết hợp trải nghiệm văn hóa; phát triển 1 mô hình du lịch cộng đồng người Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì; từng bước xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các huyện ngoại thành; Thí điểm sản phẩm du lịch đường sông từ Bến Chương Dương Độ đi cảng Bát Tràng,… Kết quả, Thủ đô Hà Nội liên tục được các tổ chức, chuyên gia, chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch. Đặc biệt trong năm 2023, Hà Nội vinh dự được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới trao các giải thường: Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu thế giới, Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu Châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày, Cơ quan du lịch thành phố hàng đầu Châu Á,…
Năm 2024, Hà Nội phấn đấu đón trên 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023, trong đó có trên 5,5 triệu lượt khách quốc tế (có 3,8 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú) tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 109,41 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt từ 62% trở lên, tăng 3 điểm % so với năm 2023.
Phương Bùi
Nguồn: Báo lao động thủ đô