Cảnh giác thủ đoạn dụ học sinh mở tài khoản thanh toán để lừa đảo

Tội phạm công nghệ cao

Mới đây, Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 2 đối tượng về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản”. Danh tính đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Nhất Lâm (sinh năm 1985, trú tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) và Lê Minh Tân (sinh năm 1995, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội). Quá trình điều tra xác định, khoảng tháng 4/2022, Lâm và Tân bàn nhau sẽ mở tài khoản ngân hàng để cho thuê. Những người thuê tài khoản này thường để nhận các khoản tiền “bẩn” (như tiền đánh bạc online, cá độ hoặc từ phạm tội mà có tiền… Sau khi có tiền chuyển đến, các đối tượng sẽ rút tiền đưa lại cho họ và được trả công từ 300 – 500 nghìn đồng. Mỗi tài khoản sử dụng 2 số điện thoại chính và phụ, số điện thoại chính sẽ cung cấp cho người thuê, số điện thoại phụ sẽ do 2 đối tượng quản lý để theo dõi số dư tài khoản.

Cảnh giác thủ đoạn dụ học sinh mở tài khoản thanh toán để lừa đảo
Hai đối tượng về hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: Công an cung cấp).

Cụ thể, trong ngày 16/5 vừa qua, thấy có một khoản tiền 700 triệu đồng được chuyển đến tài khoản, 2 đối tượng đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Theo đó, Lâm và Tân đã ra ngân hàng đổi số điện thoại giao dịch chính bằng số điện thoại mới, rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Sau khi có tiền 2 đối tượng mua 2 chiếc điện thoại hiệu iPhone 13 Pro Max và 1 chiếc Airpods, số tiền còn lại 2 đối tượng chia nhau. Ngày 16/6, sau gần một tháng điều tra từ tin báo bị hại, 2 đối tượng đã bị Công an Lạng Sơn bắt giữ đồng thời thu giữ tang vật là 4 điện thoại di động, 1 flycam, 1 airpod, 30 thẻ sim, 4 thẻ tài khoản và hơn 230 triệu đồng…

Trên đây chỉ là 1 trong số rất nhiều các vụ việc liên quan đến việc mua bán, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Các nạn nhân sau đó thường bị chiếm đoạt tài sản với số tiền rất lớn. Đối tượng nhận tiền của bị hại thông qua các tài khoản ngân hàng “rác” tức tài khoản ngân hàng có được thông qua hoạt động mua, bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, gây nhiều khó khăn cho quá trình xác minh, điều tra.

Nhận biết phòng ngừa thủ đoạn tinh vi

Qua quá trình nắm thông tin, cơ quan Công an xác định các đối tượng đã thay đổi đối tượng tiếp cận để thu gom tài khoản ngân hàng bằng thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo trẻ từ 14 tuổi trở lên, đây là các trường hợp đã được cấp căn cước công dân, là học sinh thuộc các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông để lôi kéo mở tài khoản ngân hàng, sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trong đó, đối tượng cung cấp cho học sinh máy điện thoại di động có sẵn sim để ra ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản, đăng ký dịch vụ internetBanking, SMSBanking, sau đó yêu cầu học sinh chuyển lại điện thoại, mật khẩu OTP ngân hàng gửi về số điện thoại đăng ký mở tài khoản, các thông tin tài khoản cho đối tượng, và được nhận “tiền công”.

Bên cạnh đó, các đối tượng sử dụng hàng trăm hội nhóm ở trên không gian mạng, thông qua mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo… rồi đăng tải công khai các thông tin mua bán tài khoản ngân hàng. Với số tiền vài trăm nghìn đồng chúng có thể mua bán một tài khoản ngân hàng, bao gồm cả thẻ vật lý và sim điện thoại đăng ký cho dịch vụ Mobile Banking.

Theo Trung tá Trương Đình Bình – Trưởng Công an phường Xuân La, quận Tây Hồ, tình trạng này không chỉ gây thiệt hại lớn về mặt tài chính cho nạn nhân mà còn làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính và ngân hàng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền, đánh bạc và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, trước thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, trong đó yêu cầu một giao dịch chuyển tiền ngân hàng trong nước, nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học.

Để sử dụng được tài khoản ngân hàng “ảo” mua bán từ học sinh, các đối tượng yêu cầu học sinh cung cấp thêm dữ liệu khuôn mặt bằng cách chụp ảnh đầy đủ chân dung, khuôn mặt để phục vụ cho ứng dụng nhận diện khuôn mặt vào đăng ký thông tin tài khoản ngân hàng để thực hiện hoạt động vi phạm pháp luật, chuyển tiền lòng vòng qua các tài khoản ngân hàng, nhằm che giấu dòng tiền bất hợp pháp, tiền do hoạt động phạm tội mà có, gây khó khăn cho lực lượng công an truy vết tội phạm và ngăn chặn dòng tiền thiệt hại do hoạt động phạm tội gây ra.

Về vấn đề này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần giữ bí mật thông tin cá nhân. Không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng với người lạ trên không gian mạng. Cảnh giác với lời đề nghị hấp dẫn, nói không với mọi lời đề nghị “cho thuê” hoặc “bán” tài khoản ngân hàng để hưởng lợi ích tài chính. Đặc biệt, nếu phát hiện được bất kỳ hoạt động mua, bán tài khoản ngân hàng nào, công dân cần báo ngay lập tức với cơ quan công an để xử lý, giải quyết.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn gửi các tỉnh, thành trên cả nước để khuyến cáo tình trạng các đối tượng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán, sau đó chuyển lại cho các đối tượng này sử dụng vào mục đích lừa đảo. Đề nghị các tỉnh nếu phát hiện kịp thời thông báo các cơ quan chức năng để cùng vào cuộc.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích