Thu hút đầu tư qua chính sách miễn thuế đất nông nghiệp

Chú thích ảnh
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh minh họa: TTXVN

Dự kiến chủ trương này sẽ được Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua đề nghị bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 vào tháng 9/2024. Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).

Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian tới theo quy định hiện hành là cần thiết để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.Vì trên thực tế, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khá khiêm tốn.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta.

Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5.5% tổng số doanh nghiệp trên cả nước; trong đó có khoảng 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. So với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp như hiện nay còn khá ít, quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các tổ chức trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

Đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp cũng cần phải tiếp tục có chính sách ưu đãi miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Việc thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân cùng với các chính sách khuyến khích tổ chức,doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo ra thể chế chính sách ưu đãi thống nhất, hợp lý để khuyến khích các nguồn lực đầu tư của xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị 2 phương án: Phương án thứ nhất, kéo dài việc miễn thuế từ 1/1/2026 đến hết 31/12/2030; và phương án thứ hai từ 1/1/2026 đến hết 31/12/2035.

Bộ Tài chính nghiêng về phương án thứ nhất.Bộ Tài chính lý giải lựa chọn phương án thứ nhất là do, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhau.

Do tác động nặng nề của dịch bệnh và biến động địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 đã chậm lại đáng kể. Theo báo cáo kinh tế giữa kỳ 2021 – 2025 của Quốc hội, việc đảm bảo phấn đấu đạt chỉ tiêu GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 – 7% là rất khó khăn.

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã được ban hành góp phần làm thay đổi đáng kể nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Theo Bộ Tài chính, qua 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.

Việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…

Trong 20 năm qua, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp miễn, giảm trong giai đoạn 2003 – 2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017 – 2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021 – 2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích