Hoàn thiện hành lang pháp lý để hoạt động từ thiện minh bạch
Từ những vụ điển hình
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Cao Thị Hoài về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác, từ tháng 11/2020 đến tháng 5/2021, Hoài đã chiếm đoạt tài sản của 688 nhà hảo tâm với tổng số tiền gần 261 triệu đồng.
Cao Thị Hoài bị bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ảnh: CQCA |
Tham gia mạng xã hội Facebook, Cao Thị Hoài đọc được thông tin một cá nhân ở tỉnh Bình Thuận đang làm công việc thiện nguyện thu gom, mai táng cho những hài nhi xấu số bị bỏ rơi. Thấy trang cá nhân này khi chia sẻ bài viết, hình ảnh về hoạt động thiện nguyện thu được lượng tương tác rất cao và nhiều nhà hảo tâm để lại bình luận sẵn sàng hỗ trợ kinh phí, Hoài nảy sinh ý định lừa đảo.
Hoài lập tài khoản facebook “Trần Mai Thu Thảo” (sau đổi tên thành Mai Mai), giới thiệu bản thân đang làm việc tại phòng khám và điều trị “Tâm an đường”, đặt slogan là “Bảo vệ mạng sống cho các con”. Sau đó, Hoài vào những trang Fanpage, Facebook của những người đang làm thiện nguyện cho trẻ sơ sinh thương vong, lựa chọn hình ảnh thương tâm về những thai nhi xấu số rồi đăng lên trang Facebook Mai Mai, đồng thời, kêu gọi mọi người phát tâm, quyên góp tiền để mua đất, vật tư phục vụ mai táng cho những thai nhi xấu số. Ở mỗi bài đăng, Facebook Mai Mai cũng đưa những hình ảnh đang xây dựng mộ phần cho các bé để mọi người nhầm tưởng đó là sự thật…
Trước những hình ảnh thương tâm, câu chuyện cảm động, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ tháng 11/2020 đến tháng 5/2021, Facebook Mai Mai đã có hàng nghìn lượt tương tác. Đồng thời, gần 700 người từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã gửi tiền ủng hộ từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng mỗi người, để “chung tay” cùng Hoài lo hậu sự cho các thai nhi… Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền từ thiện của các nhà hảo tâm, Cao Thị Hoài không chuyển cho bất cứ cá nhân, gia đình nào cần giúp đỡ hay tổ chức từ thiện nào mà sử dụng để chi tiêu cá nhân… Những hình ảnh về chôn cất hài nhi xấu số, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo đều do Hoài sao chép trên mạng internet, chỉnh sửa lại nội dung rồi đăng tải…
Thủ đoạn lừa đảo, lợi dụng tình thương của người khác để chiếm đoạt tài sản như Cao Thị Hoài không phải là mới. Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng công an trong cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều Fanpage Facebook giả mạo hoạt động từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như Fanpage “Chia sẻ vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”… Theo Bộ Công an, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là tạo lập các trang mạng xã hội, sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn cần được giúp đỡ, hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được Nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ.
Để tăng độ tin cậy, nhiều đối tượng đã tập hợp các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải để dẫn nguồn trên Fanpage, Facebook khiến người đọc tin tưởng, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập, quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận tiền được các nhà hảo tâm chuyển đến, các đối tượng đã không làm từ thiện mà sử dụng chi tiêu cá nhân, hoặc chỉ chuyển một phần rất nhỏ để làm hình ảnh, nhằm tiếp tục kêu gọi người dân đóng góp…
Cần hành lang pháp lý đảm bảo sự minh bạch
Để tránh bị lừa đảo, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội. Khi muốn giúp đỡ, cần thận trọng tìm hiểu rõ thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ đang điều trị để kiểm chứng. Trước khi quyết định gửi tiền cho các cá nhân vận động từ thiện trên mạng xã hội, cần xem xét người đưa ra những lời kêu gọi này có uy tín, có thật sự làm từ thiện hay không… Đồng thời, nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức để ủy quyền làm từ thiện.
Hoạt động kêu gọi từ thiện hiện được điều chỉnh bởi các quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Theo đó, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ, sử dụng tiền, hàng đóng góp phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đối tượng, minh bạch, công khai. Đồng thời, nghiêm cấm sử dụng hoạt động thiện nguyện để vụ lợi; nghiêm cấm gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt tiền, hàng do các cá nhân, tổ chức quyên góp…
Trên thực tế, việc người dân kêu gọi quyên góp và đứng ra tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền, quà từ thiện được hiểu là ủy quyền thực hiện việc tặng cho tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy các đối tượng có hành vi kêu gọi từ thiện nhưng sau đó nhận tiền, tài sản rồi không thực hiện các hoạt động từ thiện như đã hứa mà chiếm đoạt, thì tùy theo hành vi, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự. |
Nghị định này cũng nêu rõ các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm: “Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. 3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép”.
Trong thực tế, bên cạnh tình trạng lừa đảo, lạm dụng từ thiện để trục lợi cá nhân, còn xảy ra tình trạng người làm từ thiện phân phối tiền, tài sản từ thiện không chuyên nghiệp, dẫn đến chồng chéo, và khó minh bạch thông tin… Hậu quả của việc lạm dụng, lừa đảo để chiếm đoạt tiền, tài sản từ thiện đang làm xói mòn lòng tin của cộng đồng, gây nên e ngại, nghi ngờ, tâm lý không muốn tham gia vào hoạt động từ thiện nữa. Dẫn đến những người có hoàn cảnh khó khăn, cần hỗ trợ sẽ khó nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng.
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh các hành vi lạm dụng từ thiện để lừa đảo, còn cần tạo hành lang pháp lý phù hợp cho các hoạt động thiện nguyện. Đến nay, sau hơn 10 năm thi hành, Nghị định 64/2008/NĐ-CP” về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” đã bộc lộ nhiều bất cập, cần được sửa đổi.
Hiện, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Nghị định mới cần quy định rõ ràng, cụ thể các nội dung về hoạt động từ thiện, làm rõ đối tượng được phép kêu gọi vận động từ thiện, việc sử dụng, chi từ thiện như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân. Từ đó, góp phần minh bạch và tạo điều kiện cho hoạt động từ thiện được thực hiện hiệu quả, ý nghĩa./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô