Những yếu tố giúp nâng cao năng suất lao động

Theo các chuyên gia, năng suất lao động được đo bằng tổng hòa nhiều yếu tố, gồm yếu tố vĩ mô như quy mô nền kinh tế, thể chế, cơ chế chính sách…, hay yếu tố vi mô như quy mô, nội lực của doanh nghiệp, khả năng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng của người lao động, khả năng sử dụng nhân lực của doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng lao động.

Để tăng năng suất lao động, theo chuyên gia Bộ Công Thương cần chú trọng đến 5 yếu tố. Một là yếu tố cá nhân của người lao động. Đây là yếu tố chính thể hiện sự hài lòng của nhân viên. Khi cá nhân đạt được thành tựu và kết quả nhất định họ sẽ có cảm giác hài lòng và muốn cam kết gắn bó với doanh nghiệp.

Hai là sự công nhận của mọi người về năng lực và trình độ của lao động…

Ba là niềm tin vào doanh nghiệp và định hướng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có chiến lược định hướng rõ ràng sẽ làm tăng niềm tin của người lao động.

Thứ tư, vấn đề tiền lương.

Thứ năm là vai trò của lãnh đạo, sự giám sát và theo dõi của lãnh đạo. Đây là yếu tố quan trọng nhất nhưng cũng là thách thức nhất với lao động của Việt Nam.

Năng suất lao động ở Việt Nam hiện đang trong giai đoạn phục hồi, so với các nước trong khu vực ASEAN, thời gian qua Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động khá cao. Tuy nhiên xét về mặt giá trị tuyệt đối lại thấp hơn nhiều ngay cả khi so với các nước ASEAN.

Phân tích một số khó khăn, thách thức đang đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp đất nước, nhiều chuyên gia cho rằng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam nhìn chung vẫn tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp; động lực trong sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hiện vẫn chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Những vấn đề trên thực chất là biểu hiện của tăng trưởng năng suất thấp và khả năng cạnh tranh yếu của khu vực kinh tế trong nước. Cùng với đó, tính bền vững trong phát triển sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp, nhanh và khó đoán định hơn trước.

Ngoài ra, chi phí thương mại của Việt Nam vẫn đang cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics và việc tổ chức, phân bố không gian phát triển các ngành công nghiệp chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các vùng; chưa hình thành được nhiều cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa để liên kết phát triển theo chuỗi.

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích