Thái Bình: Vấn nạn ô nhiễm môi trường đang cản trở phát triển Làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng

Thái Bình: Vấn nạn ô nhiễm môi trường đang cản trở phát triển Làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng

Thông tin từ lãnh đạo xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho biết, các trang trại nuôi lợn xả thải gây ô nhiễm môi trường đang là rào cản lớn nhất để phát triển Làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng của địa phương.

Trong những năm qua, người dân thôn Bình Minh, xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) rất bức xúc khi một số trang trại nuôi lợn trong thôn mở rộng với quy mô chăn nuôi, nhưng không có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Phần lớn nước thải từ các trại lợn này sau khi rửa chuồng trại không được xử lý mà xả thẳng ra các kênh mương xung quanh. Những dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm không khí và nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của các hộ gia đình trong thôn.

Người dân thôn Bình Minh, xã Bách Thuận phát hiện, bắt quả tang trang trại chăn nuôi xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường

Bà T.T.H (thôn Bình Minh) cho biết, gia đình bà sống gần khu vực chăn nuôi lợn của các trang trại nên hàng ngày hứng chịu đủ mùi hôi thối phát tán từ các trại lợn. Có trang trại còn xả thẳng nước thải đen ngòm ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến việc canh tác, nuôi trồng của chúng tôi.

Ông Nguyễn Hữu K. (thôn Bình Minh) than thở, chúng tôi ở đây khổ lắm, ngoài việc phải chịu mùi xú uế thì ruồi, nhặng rất nhiều gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người già và trẻ nhỏ với các chứng bệnh đường hô hấp, tiêu hóa. 

tm-img-alt

Trang trại nuôi lợn nằm ngày gần khu dân cư, ngày đêm phát tán mùi hôi thối, gây ô nhiễm nặng nề nhưng không được chính quyền địa phương xử lý triệt để, khiến người dân thôn Bình Minh vô cùng bức xúc.

Cũng theo ông K, nuôi trồng thủy sản thì nguồn nước bị ô nhiễm khiến cá, tôm chết; trồng hoa màu thì bị ngập úng hư hại hết. Chúng tôi đã nhiều lần góp ý với các chủ trang trại cũng như kiến nghị lên UBND xã Bách Thuận về việc các chủ trang trại chăn nuôi cần có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn bầu không khí chung sao cho trong sạch, nhưng tình trạng này không được cải thiện.

Đến thôn Bình Minh vào ngày hè tháng 6 nắng nóng hừng hực để tìm hiểu những bức xúc của người dân, PV càng cảm thấy ngột ngạt, khó thở trước mùi hôi thối nồng nặc phát tán từ các trang trại lợn, mương máng bốc lên. Đến gần trang trại chăn nuôi của hộ Nguyễn Văn Thành, PV đã “mục sở thị” ống xả nước thải nước đen sì từ trang trại chăn nuôi ra một kênh mương. Nguồn nước quanh khu vực của con mương này trở nên đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bâu đầy trên bề mặt.

tm-img-alt

Người dân phát hiện trang trại chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Văn Thành ở thôn Bình Minh đã xả thải trực tiếp ra môi trường thông qua đường ống xả thải này.

Thiết nghĩ, với lượng lớn chất thải, nước thải từ hoạt động chăn nuôi tại đây không qua xử lý mà cứ xả thẳng ra môi trường thì nguy cơ ngấm vào nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu của người dân địa phương là rất lớn, hệ lụy vô cùng nặng nề và khó có thể khắc phục được.

Đặc biệt, người dân nơi đây luôn phải sống trong bầu không khí quá ô nhiễm như này, thì việc mắc các bệnh viêm mũi, viêm mắt, viêm đường hô hấp là khó tránh khỏi.

Để làm rõ thông tin phản ánh, ngày 25/6, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kim Sáu – Chủ tịch UBND xã Bách Thuận và được vị này cho biết: Những trang trại chăn nuôi tại thôn Bình Minh, đã tồn tại nhiều năm nay. Về vấn đề ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sinh kế, nhân dân đã có kiến nghị về hoa màu, cây cối trong thôn bị chết do ngập úng từ nguồn nước thải tại cống trên đê thoát sang mương thuỷ lợi của xã Bách Thuận qua xã Tân Lập.

Theo ông Sáu, hiện nay xã Tân Lập không cho thoát sang bởi vì liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, do chất thải từ các trang trại lợn thải ra. Về việc này xã đã báo cáo UBND huyện Vũ Thư về thực trạng ô nhiễm, và huyện cũng đã thành lập đoàn kiểm tra và xác định vấn đề ô nhiễm là có.

Đối với thẩm quyền của địa phương, căn cứ Luật Chăn nuôi 2018, UNBD xã Bách Thuận đã thành lập đoàn kiểm tra xử lý. Từ đầu năm đến nay, xã đã xử phạt 20 hộ chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Phát hiện thấy ô nhiễm môi trường, như trang trại của hộ ông Nguyễn Văn Thành (quê quán ở Nam Định) ở thôn Bình Minh trực tiếp xả thải ra môi trường như người dân phản ánh, nhưng thẩm quyền của xã có hạn nên chỉ báo cáo cấp trên?!

tm-img-alt

Nguồn nước kênh mương này để phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu nay biến thành màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bâu đầy trên bề mặt.

Trao đổi về hướng xử lý vấn đề ô nhiễm từ các trang trại lợn này, người đứng đầu chính quyền xã Bách Thuận cho biết, địa phương cũng liên hệ với các cơ sở để xử lý nước thải bằng vi sinh vật, hạn chế ô nhiễm. Liên minh HTX tỉnh Thái Bình đã về làm việc với địa phương và đưa một số vi sinh vật để người chăn nuôi sử dụng để xử lý vấn đề ô nhiễm nguồn nước, không khí, vận động hộ chăn nuôi mua máy tách phân để phục vụ cho cây trồng. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tuyên truyền để các hộ dân hiểu để xảy ra ô nhiễm là không thể được, và động viên họ chuyển đổi dần cơ chế chăn nuôi sang nghề khác.

Được biết, tháng 3/2023, xã Bách Thuận tổ chức hội nghị định hướng quy hoạch và lộ trình xây dựng Làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng. Theo đề án, mục tiêu đến năm 2025 sẽ lập quy hoạch chi tiết xây dựng làng vườn sinh thái gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của huyện Vũ Thư và xã Bách Thuận; từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng làng vườn sinh thái phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất, nguồn lực phục vụ du lịch tham quan,… Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Bách Thuận, đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường đang là rào cản lớn nhất để phát triển Làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng.

Thiết nghĩ, để xã Bách Thuận phát triển theo định hướng quy hoạch và lộ trình xây dựng Làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng một cách bài bản, khoa học và đạt chuẩn tiêu chí về môi trường, chúng tôi kính đề nghị UBND huyện Vũ Thư và các đơn vị liên quan cần kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi trên, tránh gây bức xúc kéo dài trong nhân dân./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích