VCCI: Chồng lấn quy định xử phạt hành chính hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Bộ Công thương góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

Theo VCCI, dự thảo quy định các hành vi vi phạm và mức xử phạt. Tuy nhiên, miêu tả một số hành vi mơ hồ, không có cơ sở để xác định cụ thể, có thể dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp không biết thực hiện như thế nào để đảm bảo không vi phạm.

Chẳng hạn, hành vi văn bản uỷ quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện liên quan đến thông tin người tiêu dùng nhưng văn bản quy định không rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bên trong việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng (Điều 46.1.b Dự thảo): Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (luật nội dung) không có quy định cụ thể văn bản uỷ quyền phải quy định phạm vi, trách nhiệm gì và mức độ chi tiết các nghĩa vụ này như thế nào, cho nên khó có căn cứ để doanh nghiệp và cơ quan nhà nước xác định là văn bản nào không rõ.

Hành vi không tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận quy tắc bảo vệ thông tin (Điều 46.1.e Dự thảo): Điều 17 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 không quy định gì về nghĩa vụ này, mà chỉ quy định doanh nghiệp có trách nhiệm công khai và thông báo trước cho người tiêu dùng (tương ứng với miêu tả hành vi vi phạm tại điểm đ và g). “Hơn nữa, không rõ căn cứ nào để xác định như thế nào là tạo điều kiện và khi nào là không?”, VCCI thắc mắc.

Cũng theo VCCI, hành vi thiết lập phương thức không rõ ràng để nhận được sự đồng ý của người tiêu dùng (Điều 46.1.i Dự thảo): Luật Bảo vệ người tiêu dùng không có miêu tả cụ thể phương thức đồng ý cần phải có những nội dung như thế nào là rõ ràng. Quy định xử phạt với hành vi này có nguy cơ khiến doanh nghiệp lúc nào cũng có rủi ro bị xử phạt.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các nội dung trên. Đồng thời, rà soát lại các quy định trong Dự thảo để đảm bảo miêu tả hành vi vi phạm chính xác, rõ ràng, cụ thể.

Điều 49.1.a Dự thảo quy định xử phạt doanh nghiệp nếu ngôn ngữ trong hợp đồng không rõ ràng hoặc không dễ hiểu. Các nội dung trong hợp đồng, về bản chất, thuộc về pháp luật dân sự, không phải pháp luật về quản lý nhà nước, nên việc xếp vào vi phạm hành chính là chưa phù hợp với Điều 2.1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Cần lưu ý rằng, Nhà nước có quy định can thiệp vào hợp đồng để việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là Điều 24 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 yêu cầu việc giải thích hợp đồng thực hiện theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

Nhưng đây chỉ là quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong các tranh chấp dân sự nếu có, không có nghĩa là hành vi này là vi phạm quản lý nhà nước và phải bị xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, theo phản ánh của doanh nghiệp, ngôn ngữ có tính đa nghĩa, và việc diễn giải ý nghĩa luôn tuỳ thuộc vào cá nhân mỗi người đọc. Nếu quy định như vậy, doanh nghiệp luôn có nguy cơ bị xử phạt vì một điểm nhỏ trong hợp đồng.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

VCCI cũng góp ý tương tự với Điều 49.1.b,c và Điều 54.1.d Dự thảo. Việc xác định chấm dứt hợp đồng có trái hợp đồng hay pháp luật hay không là quyền hạn của Toà án. Không rõ cơ quan quản lý hành chính nhà nước dựa vào cơ sở nào về thẩm quyền để xác định nội dung này?

VCCI cũng chỉ ra quy định có nguy cơ chồng lấn với các quy định khác.

Thứ nhất, Điều 45a Dự thảo quy định xử phạt hành chính với hành vi không báo cáo với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, quy định này có nguy cơ chồng chéo với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP. Dự thảo này cũng bổ sung một chế tài với doanh nghiệp không báo cáo là thu hồi giấy phép. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại các nội dung giữa hai dự thảo, đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản.

Ngoài ra, Điều 45a.1 Dự thảo quy định chế tài xử phạt có thể được xem là tương đối nặng. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo có nhiều loại báo cáo, với tần suất báo cáo rất dày (theo tuần, theo tháng, theo quý, hàng năm). Quy định như vậy dường như là nặng nếu chỉ lỡ một trong số các loại báo cáo trên. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định này, có thể sửa đổi theo hướng nếu doanh nghiệp lỡ bao nhiêu kỳ báo cáo sẽ bị tính một lần vi phạm.

Thứ hai, Điều 46.1.g,i,k,l,m,n,o Dự thảo quy định xử phạt với hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin người tiêu dùng. Theo phản ánh của doanh nghiệp, các mô tả hành vi này cũng tương tự như một số mô tả hành vi trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng (liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân) do Bộ Công an đang soạn thảo. Khi đó, có nguy cơ cùng một hành vi vi phạm nhưng bị xử phạt vi phạm hành chính bởi 2 cơ quan khác nhau, theo 2 văn bản khác nhau, không phù hợp với Điều 3.1.d Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại nội dung giữa hai dự thảo, đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản.

Về Điều 53a.3 Dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính với nền tảng số trung gian. Quy định này cần xem xét ở các điểm sau:

Thứ nhất, về mức phạt, Điều 53a.2 và Điều 53a.3.a Dự thảo đang quy định khung mức phạt khác nhau đối với cùng một hành vi vi phạm: nền tảng số trung gian quy mô lớn có mức phạt lớn hơn (gấp 2-3 lần) so với nền tảng số trung gian.

Theo suy đoán, việc định mức phạt dựa trên mức độ tác động. Tuy nhiên, không thể chắc rằng, với một hành vi vi phạm, nền tảng số quy mô lớn luôn có tác động lớn hơn nền tảng số, ví dụ không cung cấp thông tin của người bán theo yêu cầu, thì việc không cung cấp cho 1 người dùng là có tác động như nhau, bất kể nền tảng nào. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại cách thiết kế quy định như trên.

Thứ hai, về hành vi, Điều 53a.3 Dự thảo quy định mức phạt rất nặng với các hành vi không thiết lập kho lưu quảng cáo, công khai thuật toán, đánh giá sử dụng giải pháp tự động, trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, đây là quy định rất mới của Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, và chưa có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tuân thủ.

Nhiều vấn đề đã được VCCI đề nghị làm rõ, hướng dẫn cụ thể trong quá trình soạn thảo Nghị định quy định chi tiết Luật, nhưng chưa được làm rõ như thế nào là “kho lưu trữ quảng cáo”, “thuật toán”, “giải pháp tự động”, “trí tuệ nhân tạo”. Khi đó, việc quy định xử phạt trong khi luật nội dung chưa có quy định cụ thể sẽ dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp bị xử phạt bất cứ lúc nào, với mức phạt rất nặng.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một trong hai hướng sau: tạm thời chưa bổ sung quy định phạt với nhóm hành vi này, để cơ quan nhà nước hướng dẫn cụ thể và doanh nghiệp tiến hành thực hiện dần dần, sau đó mới bổ sung quy định xử phạt sau; cân nhắc giảm mức phạt hành chính với nhóm hành vi này.

Thứ ba, Điều 53a.3.i Dự thảo quy định xử phạt doanh nghiệp khi cung cấp thông tin không đúng thời hạn. Quy định xử phạt với hành vi không cung cấp thông tin là phù hợp, tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, nếu phạt doanh nghiệp chỉ vì doanh nghiệp cung cấp không đúng thời hạn là chưa phù hợp vì có tình trạng các công văn yêu cầu cung cấp thông tin bị thất lạc hoặc đến chậm, đến sát thời hạn yêu cầu, khiến doanh nghiệp không thể trả lời kịp thời hạn. Hơn nữa, vì Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có quy định cụ thể, nên thời hạn báo cáo hoàn toàn do cơ quan nhà nước tự ấn định, có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không có đủ thời gian theo hạn định để cung cấp cho cơ quan nhà nước, do đó vi phạm và bị xử phạt. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ nội dung về mô tả hành vi cung cấp không đúng thời hạn.

Theo Người Đưa Tin

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích