Kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc

Ảnh minh họa.

Xu hướng tiêu dùng tại Hàn Quốc

Hàn Quốc hiện đang giữ vị trí quan trọng trong quan hệ kinh tế với Việt Nam, với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 76 tỷ USD. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt 32 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tham tán Thương mại của Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Khắc Tuyên đã chỉ ra một số xu hướng tiêu dùng quan trọng tại thị trường này. Cụ thể, xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình, như sản phẩm ăn liền và dễ nấu, đang tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm gần đây. Ngoài ra, sản phẩm tốt cho sức khỏe, như thực phẩm organic và dành cho người già, cũng được ưa chuộng.

Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm bảo vệ môi trường với bao bì thân thiện và các mô hình quản trị ESG (Environmental, Social, Governance) đang trở thành xu hướng phổ biến. Cùng với đó, các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình kiểm dịch cũng ngày càng nghiêm ngặt.

Ông Phạm Khắc Tuyên nhấn mạnh rằng, để sản phẩm Việt Nam có thể tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc, ngoài việc đảm bảo chất lượng và hương vị, còn cần chú trọng đến các yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, và uy tín trong cam kết. Việc đáp ứng những tiêu chuẩn này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng đàm phán và giữ vững quan hệ đối tác lâu dài.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiêm túc nghiên cứu và phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ phân khúc tiêu dùng mục tiêu, đồng thời đảm bảo sản phẩm đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm, bao gồm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo hệ thống PLS (Positive List System).

Thách thức về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu

Trong một thông báo vào ngày 25 tháng 3 năm 2024, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã thông báo một số sản phẩm thực phẩm của Việt Nam không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu. Cụ thể, 3 lô hàng thực phẩm từ 3 công ty Việt Nam đã bị kiểm định không phù hợp và phải trả lại hoặc tiêu hủy.

Với “xu hướng vi phạm có chiều hướng gia tăng”, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm cũng cần lưu ý, chấp hành nghiêm túc các quy định nhập khẩu của Hàn Quốc.

Về phía MFDS, đã gia hạn lệnh kiểm tra từ 31/3/2023 đến 30/3/2025 (thay vì 30/3/2024) nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm an toàn thực phẩm của các nhà nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng.

Theo các quy định mới từ “Đạo luật đặc biệt về kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu”, kể từ 14/6/2024, tất cả các sản phẩm bao gồm: Các sản phẩm có chứa thịt đã qua chế biến: là sản phẩm được sản xuất/chế biến sử dụng thịt làm nguyên liệu chính, không bao gồm các sản phẩm chăn nuôi; Các sản phẩm có chứa trứng đã qua chế biến: là sản phẩm được sản xuất/chế biến có sử dụng trứng làm nguyên liệu chính, không bao gồm các sản phẩm chăn nuôi; Các sản phẩm thịt và các loại trứng khác: sẽ được định nghĩa trong thông báo Thực thi Đạo luật sẽ phải tuân thủ quy trình đánh giá vệ sinh nhập khẩu (ISA) do MFDS quản lý.

Đối với Việt Nam, mặc dù thịt gà và trứng ăn được (gà, vịt, chim cút) không được phép nhập khẩu, tuy nhiên các sản phẩm có chứa thịt chế biến sử dụng thịt gà làm nguyên liệu và các sản phẩm có chứa trứng đã qua chế biến của Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc từ năm 2016-2023, sau khi “Đạo luật đặc biệt về thực phẩm nhập khẩu kiểm soát an toàn” được ban hành.

Để duy trì việc xuất khẩu các sản phẩm này, các doanh nghiệp Việt Nam cần hoàn thành đánh giá ISA trước 14/6/2025. Việc tuân thủ quy trình này là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách các nước được phép nhập khẩu sản phẩm động vật vào Hàn Quốc.

Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến cáo các doanh nghiệp và hiệp hội nắm bắt các xu hướng tiêu dùng mới, đồng thời đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật để tạo dựng vị thế vững chắc tại thị trường Hàn Quốc.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích