Phát triển công nghiệp dược phục vụ nhân dân: Mệnh lệnh cuộc sống!
Mỗi năm Việt Nam chi cả tỷ USD cho việc nhập khẩu dược phẩm phục vụ nhu cầu điều trị bệnh và sản xuất thuốc trong nước. Trong đó, có những sản phẩm biệt dược đắt đỏ, ảnh hưởng đến túi tiền của người dân. Vì vậy, việc thúc đẩy nền công nghiệp dược Việt Nam phát triển, vừa cho ra đời những sản phẩm có chất lượng cao, rẻ về giá thành đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh cho nhân dân chính là mệnh lệnh cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội dự án Luật Dược (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. |
Hơn một thập kỷ trước, nói đến Y tế Việt Nam, kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài đa số đều “lắc đầu”. Nhưng nay, “gió đã đổi chiều”, ngày càng nhiều kiều bào về Việt Nam khám, điều trị bệnh. Đặc biệt lĩnh vực nha khoa. Đơn giản, họ được thụ hưởng dịch vụ tốt, giá rẻ, chất lượng lại cao, thủ tục không quá phức tạp như khám, điều trị bệnh tại các nước phát triển.
Lĩnh vực khám, điều trị có bước phát triển vượt bậc là thế, song lĩnh vực dược lại chưa phát triển xứng tầm. Hiện tại, các doanh nghiệp trong nước mới dừng lại ở việc nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc, sản phẩm thông thường, còn các loại thuốc chất lượng cao, thuốc đặc trị, đa số nhập khẩu hoặc từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến giá thành cao. Đặc biệt, trong bối cảnh bệnh tật ngày càng diễn biến phức tạp, tỷ lệ người dân đến các cơ sở y tế khám và điều trị ngày một tăng, nếu ngành Dược trong nước không đáp ứng được nhu cầu cung cấp thuốc, trong đó có các loại thuốc chất lượng cao, thuốc đặc trị sẽ tiếp tục dẫn đến các hệ lụy: An ninh tài chính của người dân bị ảnh hưởng; người nghèo càng nghèo thêm vì chi phí điều trị bệnh quá cao, còn Nhà nước cũng tốn ngoại tệ cho việc nhập khẩu thuốc.
Nhận thức được điều đó, đồng thời phát huy lợi thế cạnh tranh về điều kiện thổ nhưỡng, trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn soạn thảo Luật Dược (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho ý kiến.
Điểm mới của Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) là bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, mang tính đột phá hơn so với Luật Dược 2016 để thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, chuyên khoa đặc trị; đặc biệt là nghiên cứu khoa học, cụ thể: Hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vắc xin, sinh phẩm, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia; hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; hoạt động nghiên cứu, sản xuất thuốc mới từ nguồn dược liệu đặc hữu trong nước; hoạt động bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm đặc hữu trong nước, hoạt động nghiên cứu tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu trong nước và di thực, có giá trị kinh tế cao.
Người dân mong muốn điều kiện chăm sóc sức khỏe (khám, điều trị) ngày càng tốt hơn, đặc biệt sẽ có nhiều loại thuốc do Việt Nam sản xuất để điều trị bệnh góp phần giảm gánh nặng về tài chính cho nhân dân (Ảnh: BYT). |
Ưu đãi đầu tư đối với sản xuất thuốc gốc (generic), nguyên liệu làm thuốc là tá dược, vỏ nang; bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc; xây dựng cơ sở thử nghiệm sinh học, đánh giá sinh khả dụng, tương đương sinh học của thuốc; cơ sở thử nghiệm lâm sàng thuốc; Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng tỷ lệ trích và thời gian sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu làm thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được, đối với các hoạt động nêu trên (do Luật Thuế thu nhâp doanh nghiệp không có quy định rõ ưu đãi đối với sản xuất thuốc)…
Để thực hiện được mục tiêu “kép”, nhằm giảm gánh nặng chi phí tài chính cho người dân, tiết kiệm ngoại tệ cho ngân sách quốc gia, tránh nghèo hóa, đồng thời hướng tới mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm dược, biệt dược mang thương hiệu Made in Vietnam hoặc Make in Vietnam… kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, họ đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Nhà nước sẵn sàng chi tiền dưới nhiều hình thức để đầu tư hoặc đặt hàng các nhà khoa học, các học viện, các trường đại học cho việc nghiên cứu, hoặc có cơ chế tài chính thông qua các quỹ để khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Nói ngắn gọn, chỉ khi nào chúng ta “cởi trói” được cơ chế tài chính cho công tác đào tạo, nghiên cứu, phát triển nguồn nguyên liệu, chuyển giao công nghệ… khi đó chúng ta mới phát triển được nền công nghiệp dược đích thực.
Hy vọng tới đây, khi dự án Luật Dược (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, cùng với các văn bản dưới Luật được Chính phủ, các bộ ban hành chúng ta sẽ có đủ công cụ về chính sách, thể chế để phát triển nền công nghiệp dược Việt Nam hoàn chỉnh từ khâu nghiên cứu, sản xuất đến điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Người dân có mức thu nhập trung bình không đứng trước nguy cơ bị “nghèo hóa” bởi chi phí điều trị với những sản phẩm thuốc nhập khẩu giá thành quá cao.
Nguồn: Báo lao động thủ đô