Học Bác cho bút sắc, lòng trong
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đặt nền móng cho Báo chí cách mạng Việt Nam. |
Ngay những năm tháng bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc về vai trò to lớn của báo chí tiến bộ trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước chân chính và truyền bá học thuyết Mác- Lênin vào nước ta. Người coi báo chí là một phương tiện nhạy bén và hiệu quả trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì vậy Người đã đấu tranh đòi quyền tự do báo chí. Tại Diễn đàn Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (7/1924) Người đã chỉ rõ: “Báo chí chủ nghĩa Cộng sản có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động của các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản”. Vì vậy, ngày 21/6/1925, Người đã sáng lập ra tờ “Thanh niên”. Đây là dấu mốc đáng nhớ, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Báo “Thanh niên” đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn sử dụng ngòi bút của mình như một vũ khí sắc bén, hiệu quả để đấu tranh cho một lý tưởng cao cả: Hòa bình, độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Dù có khó khăn, gặp nguy hiểm trong khi hoạt động bí mật hay bận trăm công nghìn việc, Người vẫn dành thời gian viết báo đều đặn. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người không tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là để làm cách mạng và đã trở thành một nhà báo cách mạng. Các tác phẩm báo chí của Người có nội dung vô cùng sâu sắc và hết sức mẫu mực về hình thức thể hiện, tạo nên một phong cách độc đáo – phong cách báo chí Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Đến Đại hội đại biểu lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tính trung thực của nhà báo là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp báo chí. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Người cho rằng “một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”. Nhà báo chân chính phải chuyên nghiệp trong cách hành nghề, phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Người nói: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. “Không nên chỉ viết cái tốt và giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại… Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”.
Ngoài ra, Người còn quan tâm đọc, sửa những chỗ sai, dùng bút chì màu đánh dấu vào những bài đáng chú ý, cần đọc lại, nhận xét, phê bình, khen ngợi đối với cả bài viết, tranh ảnh in trên báo.Sự quan tâm của Người không chỉ dừng lại ở đó, Người còn đặc biệt chú ý đến những việc báo đưa tin, những vấn đề báo đăng nhằm phát huy sức ảnh hưởng và hiệu quả của báo chí. Người thường xuyên có những chỉ thị cho các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết sau khi đọc một tin, bài nào đó. Chẳng hạn như trong mục “Chuyện lớn chuyện nhỏ” của Báo Nhân dân ra ngày 05/3/1962 có bài Nhờ báo cấp báo nói về đoạn đường gần ga Cao Xá thuộc tỉnh Hải Dương tổ chức trồng dừa nhưng không chăm sóc để cây bị khô héo. Người đọc xong ghi ngay phía dưới bài nội dung : “Kính gửi Tỉnh ủy Hải Dương và chỉ thị cho Văn phòng chuyển ý kiến của Người đến Tỉnh ủy Hải Dương để có chủ trương sửa chữa”.
Kể từ bài báo đầu tiên của Người đăng trên tờ “Nhân đạo” (L’Humanité) của Đảng cộng sản Pháp vào ngày 2/8/1919 (bài “Vấn đề Người bản xứ”) đến bài báo cuối cùng (bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”) đăng trên báo Nhân dân ngày 1/6/1969, Người đã sử dụng gần 100 bút danh khác nhau và để lại cho lịch sử báo chí Việt Nam khoảng 2.000 bài báo với đủ các thể loại tạo nên một phong cách độc đáo – phong cách báo chí Hồ Chí Minh.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí của Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi nhà báo cần có lập trường kiên định vững vàng trong mọi điều kiện; trước hết là ý thức và bản lĩnh chính trị của người làm báo cách mạng. Đó là ý thức về một lập trường chính trị cách mạng, là thái độ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa; kiên quyết chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Đó là cơ sở cốt lõi để mỗi nhà báo báo cách mạng tự mình phấn đấu vượt lên, cống hiến toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp cách mạng.
Nguồn: Báo lao động thủ đô