GRDP nhiều tỉnh thành phía Nam tăng trưởng cao
Báo cáo tại phiên họp kinh tế xã hội diễn ra chiều 1/7, đại diện Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM cho biết: Tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm 2024 của Thành phố đạt 6,46%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,18% so với cùng kỳ năm 2023, công nghiệp – xây dựng tăng 5,55%, dịch vụ tăng 7,26%.
Lợi thế chung về cảng biển đã giúp GRDP của TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An đạt mức khá cao. |
Tổng thu ngân sách nhà nước của TP.HCM đạt gần 265.000 tỷ đồng, đạt 54,77% dự toán, tăng 16,02%; chi ngân sách địa phương gần 37.300 tỷ đồng, đạt 24,87% dự toán, đạt 99,76% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 10%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 22,56 tỷ USD, (tăng 13,1%), tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 27,5 tỷ USD (tăng 4,6%); tổng doanh thu du lịch đạt gần 93.000 tỷ đồng (tăng 14,6%).
Khách du lịch nội địa đến Thành phố đạt hơn 17 triệu lượt (tăng 4,4%), khách quốc tế đạt gần 2,6 triệu lượt (tăng 38%); sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt gần 93 triệu tấn (tăng 14,26%), sản lượng hàng hóa thông qua đường thủy nội địa đạt gần 35 triệu tấn, (tăng 16,65%).
Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 6/2024 đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng (tăng 8,56%); tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng đạt hơn 3,6 triệu tỷ đồng (tăng 10,21%).
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp (IIP) vốn là thế mạnh của TP.HCM tăng 5,6%, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Trong đó chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5% bao gồm hóa dược tăng 21,1%, chế biến lương thực – thực phẩm tăng 1,3%, cơ khí giảm 1,7%, sản xuất hàng điện tử giảm 5,4%.
Trong khi đó, theo Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: GRDP trừ dầu khí trong 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh tăng 9,18% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, công nghiệp – xây dựng tăng 11,74%, dịch vụ tăng 6,61%.
Tổng thu ngân sách đạt gần 48.700 tỷ đồng, đạt 54,94% so với dự toán năm 2024 và tăng 10,63% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến cuối tháng 6/2024, hoạt động huy động vốn đạt khoảng 189.500 tỷ đồng, tăng 3,65% so với cuối năm 2024. Hai lĩnh vực đặc thù lợi thế biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là thủy sản ước tính đạt 208.795 tấn (tăng 3,18%), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trừ dầu khí ước đạt hơn 2,657 tỷ USD (tăng 9,60%).
Còn tại Long An, trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 5,26%, đây là mức tăng trưởng tích cực và cao nhất từ năm 2022 đến nay; trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 2,93%, công nghiệp – xây dựng tăng 5,54%.
Trên địa bàn tỉnh có hơn 900 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 34%) với tổng vốn 7.930 tỉ đồng, qua đó nâng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt hơn 18.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 379.711 tỉ đồng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 17,98% so cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 14.077 tỉ đồng, đạt 66,1% dự toán tỉnh giao (tăng 40,3%). Chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện hiệu quả; hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động thông suốt, số dư huy động vốn và cho vay đều tăng trưởng; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát.
Cùng với các chỉ số tăng trưởng GRDP khá ấn tượng, các tỉnh thành cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp. Tại TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 25.250 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới đạt gần 194.800 tỷ đồng, tăng 9,6% về số lượng và giảm 8,38% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, có 1.771 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, (giảm 4,7%), 20.633 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 12,2%), 8.576 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 15,9%).
Về đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố thu hút được khoảng 1,121 tỷ USD (giảm 19,5%), trong đó các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 597 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 192,65 triệu USD (tăng 16,1% số dự án cấp mới, giảm 16,7% vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Bà Rịa – Vũng Tàu đã khai thác hiệu quả lợi thế du lịch biển để đem về nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương. |
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, về đầu tư FDI, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 30 dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 1,662 tỷ USD, đạt 83,1% kế hoạch năm 2024, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2023; cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 902 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 15,94%) với tổng vốn đăng ký hơn 10.500 tỷ đồng (tăng 2,1 lần).
Số doanh nghiệp hoạt động trở lại gần 450 doanh nghiệp, bằng 91,26 % so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký giải thể là 171 doanh nghiệp, bằng 85,5 % so với cùng kỳ (171/200); số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 852 doanh nghiệp, tăng 56,04% so với cùng kỳ.
Trên địa bàn tỉnh Long An có hơn 900 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 34%) với tổng vốn 7.930 tỉ đồng, qua đó, nâng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt hơn 18.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 379.711 tỉ đồng. Tỉnh Long An cũng đã cấp mới 16 dự án với tổng vốn 2.818 tỉ đồng; đến nay trên địa bàn tỉnh có 2.215 dự án với số vốn đăng ký 300.786 tỷ đồng. Về đầu tư nước ngoài, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.301 dự với số vốn hơn 11,2 tỷ USD; trong đó có 635 dự án đi vào hoạt động với số vốn hơn 4,2 tỷ USD.
Điểm sáng kinh tế Bà Rịa – Vũng Tàu Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt mức ấn tượng với mức tăng tăng 9,18%. Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, kinh tế – xã hội của tỉnh có sự phục hồi tích cực, nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới với khối lượng lớn, một số doanh nghiệp đã ký được hợp đồng sản xuất đến hết năm, nhu cầu tuyển dụng thêm lao động ở nhiều doanh nghiệp khá cao. Kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định; công nghiệp chế biến chế tạo đang tăng trưởng; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, thương mại, dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô