Thành phố Hồ Chí Minh: GRDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 6,46%
(Xây dựng) – Mới đây, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh có báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024, trong đó ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực.
GRDP 6 tháng đầu năm của Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng 6,46%. |
Theo đó, GRDP trong 6 tháng đầu năm ước đạt 567.648 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất 4,34 điểm phần trăm, đồng thời có mức tăng trưởng cao nhất 7,26%.
Xét tỷ trọng đóng góp của 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong tăng trưởng GRDP, thì giá trị tăng thêm của 9 ngành này chiếm 59,9% trong GRDP và chiếm 91,3% trong khu vực dịch vụ.
Cụ thể, có 4/9 ngành có tỷ trọng tăng trưởng cao và chiếm 63,1% nội bộ khu vực dịch vụ gồm thương nghiệp (16,4%), vận tải kho bãi (10,5%), tài chính ngân hàng (9,1%), hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (5,4%).
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.
Ngoài ra, đối với ngành công nghiệp cấp 2, có 17/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ, thấp nhất trong quý II cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi nhưng chưa bền vững.
Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã tiến hành cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Kết quả cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II so với quý I đã có tín hiệu khởi sắc. Có 37% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, trong khi 36,6% giữ ổn định và 26,4% nhận định khó khăn hơn.
Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 264.400 tỷ đồng, đạt 55% dự toán và tăng 16% so với cùng kỳ. Chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 36.590 tỷ đồng, đạt 25% dự toán và tăng 37% so với cùng kỳ.
Theo Cục thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, để kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phục hồi nửa cuối năm, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để nhanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải phóng nguồn lực; sẵn sàng thực thi Luật Đất đai 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2024…
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo mục tiêu cả năm trên làn 95% vốn được giao.
Ngoài ra, thực hiện đồng bộ nhóm các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; tăng cường kết nối giao thương giữa các địa phương, giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp; tiếp tục duy trì hiệu quả chương trình bình ổn giá.
Nguồn: Báo xây dựng