Khoa học công nghệ – động lực nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất tại An Giang
Khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu
Xu thế toàn cầu hóa, cùng sự chuyển giao và hội nhập quốc tế về KH&CN đã thúc đẩy phát triển kinh tế. Các công cụ lao động giản đơn, tiểu thủ công nghiệp được thay thế bằng dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại. Sức lao động của con người được giải phóng, lao động chân tay dần được thay thế bởi lao động trí óc, lao động giản đơn dần được thay thế bằng chuyên môn hóa. Qua đó, làm tăng năng suất lao động, khối lượng sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, chất lượng cao.
An Giang đang áp dụng mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” với thiết bị không người lái. (Ảnh minh họa)
Giám đốc Sở KH&CN An Giang Tầng Phú An cho biết: “Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có tác động tích cực giúp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động KH&CN chặt chẽ hơn, nhiều nhiệm vụ KH&CN phục vụ hiệu quả cho các ngành và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN đã tạo bước chuyển biến đáng kể trong thu hút nguồn lực xã hội tham gia hoạt động nghiên cứu; nâng cao nhận thức của người dân đối với việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy nhanh việc ứng dụng và chuyển giao KH&CN trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) An Giang Trần Văn Cứng cho hay: “Các HTX An Giang đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, như: HTX nông nghiệp Bình Thành (huyện Thoại Sơn); HTX nông nghiệp Lộc Phát 1 (huyện Tri Tôn)… Việc triển khai mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” là mô hình cải tiến quy trình sản xuất nhằm tiết giảm lượng giống sử dụng 30%, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng giảm 20% thông qua việc đồng bộ cơ giới hóa”.
Cụ thể, với mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” nông dân được kỹ thuật hỗ trợ toàn bộ quy trình sản xuất và hướng dẫn xuyên suốt quá trình canh tác. Ngoài ra, còn được hỗ trợ nguyên liệu sản xuất từ giống, phân bón. Toàn bộ quy trình canh tác, từ xuống giống, phun thuốc, bón phân… đều sử dụng hoàn toàn bằng thiết bị không người lái (drone).
Đối với phương pháp canh tác truyền thống, quá trình sử dụng thuốc BVTV để phòng ngừa, điều trị sâu hại, nông dân phải mang những bình phun thuốc nặng và cồng kềnh trên lưng, mất nhiều thời gian, công sức. Với thiết bị bay không người lái, chỉ cần 1 người điều khiển là có thể phun thuốc trên diện tích lớn, thời gian phun nhanh hơn.
Ngoài ra, với việc sử dụng drone, nông dân sẽ tiết kiệm nước. Trong quá trình phun thuốc, nông dân không tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV nên an toàn cho sức khỏe. Điều này hoàn toàn phù hợp chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP (bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững).
Tiếp tục hỗ trợ áp dụng KH&CN giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất
Để KH&CN phát triển hiệu quả thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Kế hoạch 177-KH/TU, ngày 29 tháng 5 năm 2024 thực hiện Kết luận 69-KL/TW, ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Bộ Chính tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, việc triển khai Kế hoạch 177-KH/TU để quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung của Kết luận 69-KL/TW nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển KH&CN. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về KH&CN. Phát triển KH&CN gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành phù hợp từng giai đoạn cụ thể.
Trong đó, hình thành và sớm đưa vào hoạt động khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đảm bảo phát triển bền vững. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ cho Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang để phấn đấu trở thành đơn vị làm chủ công nghệ sản xuất các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh…
Cùng với đó, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác về KH&CN, đổi mới sáng tạo…
Mặc dù An Giang đã nỗ lực xây dựng cơ chế, quy định khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ đầu tư phát triển KH&CN, nhưng các nhà đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện dự án đầu tư phát triển, ứng dụng KH&CN, khi đưa các sản phẩm KH&CN ra thị trường. KH&CN chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Một bộ phận lớn đầu tư cho KH&CN còn hạn chế, kết quả chưa cao.
Bên cạnh một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh, như: Công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính – ngân hàng… thì nhiều lĩnh vực khác vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của khu vực. Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của địa phương chưa cao, chưa đồng bộ.
Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển được phải đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất lao động; sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên vật liệu… Từ đó, mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường; phát triển sản xuất kinh doanh nhanh và bền vững. Ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đổi mới công nghệ là hướng đi đúng đắn của trong mọi giai đoạn phát triển.
Duy Trinh (t/h)