Đồng Nai: Cơ sở tái chế phế liệu Thành Tư ngang nhiên hoạt động dù chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý

Đồng Nai: Cơ sở tái chế phế liệu Thành Tư ngang nhiên hoạt động dù chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý

Tại ấp Bình Phước, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, cơ sở xay cắt vỏ chai nhựa Thành Tư dù chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp giấy phép môi trường nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Cơ sở xay cắt vỏ chai nhựa Thành Tư do bà Võ Thị Hạnh làm chủ đang gây bức xúc dư luận khi ngang nhiên hoạt động dù chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và giấy phép môi trường. Hành động coi thường pháp luật này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý đất đai và bảo vệ môi trường.

Được biết, theo thông tin từ các cơ quan chức năng, cơ sở Thành Tư chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang công nghiệp, một yêu cầu bắt buộc trước khi tiến hành bất kỳ hoạt động sản xuất nào.

Bên cạnh đó, cơ sở này cũng chưa được cấp giấy phép môi trường, một yếu tố quyết định để đảm bảo hoạt động sản xuất không gây hại đến môi trường và sức khỏe của người dân. Bất chấp những quy định này, cơ sở Thành Tư vẫn tiếp tục hoạt động, thách thức pháp luật.

tm-img-alt
tm-img-alt
Chai lọ và vật dụng nhựa chất đống thành núi, nằm ngổn ngang, nhếch nhác tại cơ sở xay cắt vỏ chai nhựa Thành Tư

PV toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam đã tiếp cận cơ sở xay cắt vỏ chai nhựa Thành Tư với vai người mua hàng. Đập vào mắt là hàng loạt chai lọ và vật dụng nhựa chất đống thành núi, nằm ngổn ngang, nhếch nhác. Ngoài ra, những chiếc máy băm xay hoạt động liên tục với công suất lớn, tạo ra tiếng ồn suốt ngày đêm. 

Thực tế còn cho thấy một vấn đề nghiêm trọng khác là an toàn lao động. Các công nhân tại đây đều làm việc bằng tay không mà không có bất kỳ vật dụng bảo hộ nào. Việc này không chỉ vi phạm quy định về an toàn lao động mà còn tăng nguy cơ tai nạn lao động trong quá trình xử lý vật liệu nhựa.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
Các công nhân tại cơ sở xay cắt vỏ chai nhựa Thành Tư đều làm việc bằng tay không mà không có bất kỳ vật dụng bảo hộ nào

Ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Tân Bình, cho biết: “Cơ sở Thành Tư là cơ sở xay cắt vỏ chai nhựa nên lượng nước thải ra môi trường không có nhiều. Vấn đề môi trường ở cơ sở trên vẫn được đảm bảo. Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra xử lý vấn đề môi trường, phòng cháy chữa cháy, quản lý đất đai của cơ sở này và được biết cơ sở này đều sai phạm. Đã hướng dẫn cho cơ sở Thành Tư này khắc phục, qua đó một số vấn đề đã được khắc phục và đã được cho phép tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, đến năm 2025 phải có phương án di dời.”

tm-img-alt
Ông Lê Văn Thanh – Chủ tịch UBND xã Tân Bình

Việc cơ sở xay cắt vỏ chai nhựa Thành Tư xây dựng xưởng trên đất nông nghiệp mà chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn có thể gây ra nhiều hệ lụy như phá vỡ quy hoạch tổng thể chung về đô thị, trật tự xây dựng, gây nhiều hệ lụy về công tác quản lý thuế, tài nguyên đất đai. 

Trước đó, dù đã bị xử phạt nhưng cơ sở xay cắt vỏ chai nhựa Thành Tư vẫn tiếp tục hoạt động mà không có dấu hiệu ngừng lại. Theo thông tin từ UBND xã Tân Bình cho biết, bà Võ Thị Hạnh đã thực hiện đóng tiền xử phạt vi phạm hành chính trong ba lĩnh vực: đất đai, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường, với tổng số tiền lên đến 446.422.301 đồng.

Ngày 12/4/2023, theo Quyết định số 944/QĐ-XPHC của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, bà Võ Thị Hạnh đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền 205.422.301 đồng. Cũng trong ngày 12/4/2023, theo Quyết định số 722/QĐ-XPHC của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Hạnh bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy với số tiền 46.000.000 đồng. Tiếp tục, ngày 11/5/2023, theo Quyết định số 1050/QĐ-XPHC của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Hạnh bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 195.000.000 đồng.

tm-img-alt
tm-img-alt
Các xe tải vận chuyển chai lọ nhựa ra vào xưởng liên tục

Tình trạng hoạt động khi chưa đủ hồ sơ từ cơ sở xay cắt vỏ chai nhựa Thành Tư đã đặt ra nghi vấn về công tác quản lý của địa phương. Ngoài ra, việc các chai lọ, vật liệu nhựa chất thành núi không những làm mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân địa phương. Dù các cơ quan chức năng đã có những biện pháp xử lý vi phạm, nhưng thực tế cho thấy cần có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn để đảm bảo môi trường sống trong lành và an toàn cho người dân.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và có biện pháp xử lý dứt điểm các vi phạm nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ và quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng, tình trạng này mới có thể được cải thiện, đem lại cuộc sống yên bình cho người dân.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích