Cát biển làm vật liệu đắp cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam: Cần cơ chế đồng bộ, rõ ràng

(Xây dựng) – Việc khai thác cát biển (cát mặn) làm vật liệu xây dựng đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Tại Việt Nam, việc sử dụng cát biển được đặt ra khi nhiều dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc trọng điểm quốc gia được triển khai đồng loạt trên cả nước khiến nguồn cát sông (loại vật liệu đắp nền đường truyền thống trước đây) không đáp ứng đủ nhu cầu.

Cát biển làm vật liệu đắp cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam: Cần cơ chế đồng bộ, rõ ràng
Cát biển làm vật liệu đắp nền đường ôtô cao tốc đang được nghiên cứu ứng dụng. (Ảnh: An Hữu)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã nghiên cứu các giải pháp nhằm đa dạng nguồn vật liệu để giải quyết các khó khăn đối với vật liệu đắp nền đường cho các dự án cao tốc, đặc biệt đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực khan hiếm nguồn vật liệu cát sông (vật liệu chủ yếu sử dụng đắp nền đường).

Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cũng đã triển khai dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” (Dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản); Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các đề tài về: Nghiên cứu sử dụng tro bay nhiệt điện, nghiên cứu sử dụng cát mặn làm cốt liệu cho kết cấu, nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn để xây dựng công trình giao thông và làm vật liệu san lấp.

Tháng 3/2024, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các địa phương về thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường. Theo đó, từ kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại đoạn tuyến hoàn trả Đường tỉnh 978 (đoạn Hậu Giang – Cà Mau, thuộc dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau), Bộ GTVT đánh giá “cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012”.

Bộ GTVT cho biết, Hội đồng cấp Bộ thống nhất việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ôtô cao tốc với một số điều kiện sau: Chỉ sử dụng cát biển đáp ứng các tiêu chuẩn vật liệu theo TCVN 9436:2012, sử dụng cho nền đắp có độ chặt K≤ 95 tại các khu vực có điều kiện môi trường nhiễm mặn tương tự khu vực thử nghiệm của Dự án thí điểm.

Trước mắt nên xem xét sử dụng cho khu vực hạ âm, nền đắp K95, khu vực nền đường nằm dưới khu vực chịu tác động của hoạt tải. Bên cạnh đó, cần triển khai các giải pháp quan trắc môi trường để giám sát mức độ tác động trong quá trình thực hiện.

Về vấn đề này, theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, việc lấy cát biển thay cát sông làm vật liệu san lấp nền đường cao tốc là chưa có tiền lệ. Bởi thực chất đó là mang mặn vào giữa những hệ sinh thái ngọt, một cuộc đánh đổi được – mất mà cho đến nay chưa thấy có nơi nào chấp nhận.

“Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, cuộc đánh đổi còn mạo hiểm hơn nhiều vì đó là mang mặn vào giữa những cánh đồng lũ, trũng, cao trình thấp, nền đất yếu. Vì thế, tôi cho rằng, chưa mở rộng việc lấy cát biển thay cát sông làm vật liệu san lấp nền đường cao tốc xây dựng trên mặt đất ở Đồng bằng sông Cửu Long cho tới khi chứng minh được cuộc đánh đổi không hy sinh môi trường và an sinh của người dân…”, GS. Trân nhấn mạnh.

Mới đây, ngày 13/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã báo cáo Thủ tướng về việc đánh giá ảnh hưởng của sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án đường cao tốc Bắc – Nam đến lúa đông xuân 2023 – 2024 và hè thu 2024.

Theo Bộ NN&PTNT, sau khi nhận được phản ánh của địa phương về vụ việc trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã tiến hành khảo sát, kiểm tra đo độ mặn nước trong ruộng lúa bị ảnh hưởng (nghi do nhiễm mặn).

Kết quả có 9 hộ (ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) trong phạm vi ảnh hưởng với diện tích hơn 3ha lúa hè thu. Kết quả đo độ mặn của ruộng lúa bị thiệt hại 2,5‰ (ngưỡng chịu mặn của cây lúa là 1,28‰), độ mặn của nước ruộng vùng không bị thiệt hại 0,1‰. Kết quả thu hoạch đối với 2,23ha diện tích lúa bị ảnh hưởng chỉ đạt năng suất 6,04 tấn/ha, trong khi năng suất nơi bình thường là 7,6 tấn/ha. Ước tính thiệt hại 5,5 tấn so với các ruộng trong cùng khu vực nhưng không bị ảnh hưởng.

Bộ GTVT khẳng định, dự án đường cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông được UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù. Quá trình khai thác, vận chuyển để đưa vật liệu cát về thi công được kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. Về phía các đơn vị của địa phương đã kiểm soát việc đăng ký phương tiện vận chuyển của nhà thầu, lắp đặt định vị hành trình phương tiện vận chuyển, lắp đặt, định vị camera giám sát thiết bị khai thác.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh Sóc Trăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai các thủ tục khai thác cát biển làm vật liệu san lấp cho dự án và dự kiến trong tháng 6/2024 mới hoàn thành các thủ tục khai thác cát biển. Việc sử dụng cát biển đến nay chỉ thực hiện thi công thí điểm (khoảng 300m) trên tuyến đường tỉnh 978 (thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 8/2023). Đến nay, tại khu vực thí điểm, người dân tại khu vực này vẫn sản xuất, canh tác bình thường.

Cát biển làm vật liệu đắp cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam: Cần cơ chế đồng bộ, rõ ràng
Thi công nền đường cần nhiều vật liệu cát đắp. (Ảnh: An Hữu)

Nhằm ngăn ngừa tác động của việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm đến sản xuất lúa và cây trồng nông nghiệp, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thi công có giải pháp cụ thể để đất, nước tại ruộng lúa, cây trồng khác tại các khu vực lân cận công trình phải đảm bảo theo yêu cầu của Tiêu chuẩn cơ sở của Bộ NN&PTNT ban hành tại Quyết định số 179/QĐ-TT-ĐMT ngày 19/4/2024.

Việc sử dụng cát biển tại các dự án giao thông trọng điểm là vấn đề lớn cần sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo công trình đạt chất lượng theo đúng chỉ dẫn kỹ thuật dự án được phê duyệt.

Do vậy, ngày 20/6 mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 4317/VPCP-NN giao Bộ TN&MT thành lập Tổ công tác do đồng chí lãnh đạo Bộ làm Tổ trưởng, có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: GTVT, Công an, Xây dựng, NN&PTNT để kiểm tra, làm việc với từng địa phương, có giải pháp giải quyết cụ thể xử lý các khó khăn, vướng mắc về vật liệu san lấp đối với các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích