Điểm nhấn trong quy hoạch đô thị Bắc Ninh
(Xây dựng) – Tỉnh Bắc Ninh đang đẩy mạnh triển khai các quy hoạch đô thị với nhiều điểm nhấn đáng chú ý, nhằm hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Bắc Ninh phát triển theo mô hình chùm đô thị đa trung tâm, với trọng tâm gồm thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn và huyện Tiên Du, cùng 3 hành lang phát triển kinh tế là Quốc lộ 1, Quốc lộ 18 và dọc hành lang sông Đuống. |
Hướng tới mục tiêu là tỉnh công nghiệp hiện đại
Một trong những điểm nhấn quan trọng của tỉnh Bắc Ninh là việc tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 (theo Quyết định 728/QĐ-TTg ngày 20/6/2023). Theo Quyết định, Quy hoạch đô thị Bắc Ninh là đô thị lõi của tỉnh bao gồm 5 đơn vị hành chính: Thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong với tổng diện tích khoảng 49.137ha.
Theo quy hoạch, đô thị Bắc Ninh sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm, gắn với vùng Thủ đô Hà Nội, gồm 7 trọng tâm phát triển đô thị gắn với mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư. Từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán (TOD), cùng 3 hành lang phát triển chính là Quốc lộ 1, Quốc lộ 18 và dọc hành lang sông Đuống, sông Cầu.
Song song với đó là các khu đô thị, khu chức năng dịch vụ phục vụ khu công nghiệp mới sẽ được hình thành dọc theo các hành lang này, kết nối với trung tâm thành phố và các khu công nghiệp.
Đô thị Bắc Ninh được quy hoạch là đô thị lõi bao gồm 5 đơn vị hành chính: Thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong. |
Theo đề xuất định hướng phát triển không gian, mô hình phát triển đô thị tập trung ở Bắc Ninh sẽ dựa trên ba trụ cột chính là: Đô thị thông minh và hiện đại; Đô thị tạo không gian sống lý tưởng, kết hợp văn hóa và di sản; Đô thị xanh và bền vững. Quy hoạch cũng chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, với các dự án trọng điểm như đường Vành đai 4, cầu vượt sông Đuống, nâng cấp Quốc lộ 18 và đường sắt đô thị. Hình thành các trục giao thông chủ đạo, gồm các tuyến đường giao thông quốc gia đi qua khu vực, các tuyến đường tỉnh và các trục đường liên kết các khu vực đô thị.
Về mạng lưới đường bộ sẽ tạo thành các trục liên kết cấp liên vùng, trục liên kết cấp vùng tỉnh, trục liên kết đô thị và trục liên kết các khu vực trong các đô thị, trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống đường sắt đô thị tạo vành đai khép kín của đô thị trung tâm Bắc Ninh, kết nối với hệ thống đường sắt đô thị trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh xung quanh, hình thành mạng lưới đường sắt kết nối liên thông theo hướng hiện đại, tiên tiến, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, lưu thông hàng hóa.
Đồng thời, xây dựng mới các ga gắn với các trung tâm thương mại dịch vụ lớn, các cảng cạn, logistics; phát triển hiệu quả không gian đô thị dọc đường sắt (mô hình TOD).
Bắc Ninh hôm nay không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tạo dựng hình ảnh văn minh, hiện đại. |
Bên cạnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh, tỉnh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 1589/QĐ-TTg ngày 18/9/2023). Quy hoạch này đặt mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và nông nghiệp sinh thái.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo và ôtô. Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu đô thị mới.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng cho biết: Để cụ thể hóa các quy hoạch chung, tỉnh Bắc Ninh đang tích cực triển khai lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Các quy hoạch này sẽ xác định cụ thể chức năng, không gian và kiến trúc của từng khu vực trong đô thị, đảm bảo sự đồng bộ và hài hòa trong phát triển.
Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thiện quy hoạch 26/26 phân khu đô thị, dự kiến sẽ được phê duyệt trong thời gian tới. Các quy hoạch chi tiết cũng đang được triển khai nhanh chóng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và xây dựng các dự án.
Phát triển đô thị xanh, chú trọng bảo vệ môi trường. |
Phát triển đô thị thông minh – Không gian xanh
Ngoài các quy hoạch trên, Bắc Ninh còn có nhiều điểm nhấn khác trong quy hoạch đô thị, như: Phát triển đô thị xanh, chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển không gian xanh, với mục tiêu đạt tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người đạt 15m2 vào năm 2030. Xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quản lý đô thị, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hiệu quả hoạt động của chính quyền. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển của các loại hình văn hóa mới.
Trước đó, thông tin tại buổi họp báo công bố kết quả ấn tượng về tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết: “Bắc Ninh đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro và xây dựng một nền kinh tế đa dạng, năng động. Tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện hướng tới kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và chuẩn bị tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới”.
Với những điểm nhấn trong quy hoạch đô thị, Bắc Ninh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương. Sự phát triển này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tạo dựng hình ảnh một Bắc Ninh văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, tỉnh cần tiếp tục nỗ lực trong việc triển khai các quy hoạch, đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng và các doanh nghiệp. Sự đồng lòng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân sẽ là yếu tố quan trọng để Bắc Ninh thành công trên con đường phát triển.
Nguồn: Báo xây dựng