Chính phủ cho ý kiến đối với 3 dự án Luật, 3 đề nghị xây dựng Luật

(Xây dựng) – Ngày 24/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 06 năm 2024.

Chính phủ cho ý kiến đối với 3 dự án Luật, 3 đề nghị xây dựng Luật
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024. (Ảnh: Baochinhphu.vn)

Tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 06 năm 2024, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 03 dự án Luật, 03 đề nghị xây dựng Luật: 1- Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); 2- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật; 3- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; 4- Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh; 5- Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; 6- Đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu.

Chấm dứt tình trạng “xin – cho” trong quản lý hoạt động hóa chất

Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) với các yêu cầu cụ thể như:

Hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hóa chất năm 2007; xác định rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, nguyên nhân của các bất cập, vướng mắc để sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật này; tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cá nhân, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật; đẩy mạnh công tác truyền thông về dự án Luật, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hoàn thiện nội dung về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, bảo đảm nguyên tắc tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý để thực hiện. Rà soát các quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, không phát sinh các “khâu trung gian”, phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính không hợp lý, tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp; không hợp thức hóa sai phạm trong quản lý Nhà nước (nếu có). Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý Nhà nước về hóa chất theo nguyên tắc “một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện”; không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hóa chất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hóa chất và Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng nhằm phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, chấm dứt tình trạng “xin – cho” trong quản lý hoạt động hóa chất.

Rà soát các quy định về hóa chất tại các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật; đối với các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, áp dụng ổn định thì pháp điển thành các quy định của Luật. Dự thảo Luật chỉ quy định giao Chính phủ, các Bộ ban hành văn bản quy định chi tiết đúng với tính chất “ủy quyền lập pháp” về các vấn đề chưa có tính ổn định cao, cần tiếp tục điều chỉnh trong quá trình thực hiện hoặc các vấn đề mang tính kỹ thuật chuyên ngành không cần thiết quy định trong luật; đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì không giao quy định chi tiết, Chính phủ ban hành theo thẩm quyền để quản lý hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất.

Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng điều chỉnh, tháo gỡ đồng bộ các vướng mắc, tồn tại của quy định hiện hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Rà soát quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, thành phần hồ sơ, giảm gánh nặng về thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện; quy định rõ trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc danh mục bí mật Nhà nước.

Rà soát quy định về chủ thể xây dựng, thẩm định, công bố, xuất bản tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), quy chuẩn quốc gia (QCVN), quy chuẩn địa phương (QCĐP)… theo hướng: Đối với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành giao thì các Bộ xây dựng, công bố, thẩm định, ban hành, xuất bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quản lý Nhà nước của mình; các Bộ lấy ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành nhằm bảo đảm sự quản lý Nhà nước thống nhất về các vấn đề mang tính chuyên ngành, tăng cường trách nhiệm của các Bộ, cải cách thủ tục hành chính.

Rà soát các quy định về thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn hợp lý, không khả thi, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm và bảo vệ việc thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Hoàn thiện các quy định về phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm của các cấp trong quản lý Nhà nước, giữa cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương, giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, gắn với bảo đảm tăng cường nguồn lực, năng lực thực thi pháp luật cho các địa phương, cơ quan, tổ chức; đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, các biểu hiện vi phạm pháp luật khác.

Tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn; đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách và nội dung của dự thảo Luật nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, tổ chức, cơ quan có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo Luật.

Chính phủ cho ý kiến đối với 3 dự án Luật, 3 đề nghị xây dựng Luật
Việc gắn bảng hiệu, biển quảng cáo lên các với công trình xây dựng có sẵn cần bảo đảm sự an toàn của công trình, cũng như của các công trình lân cận.

Hoàn thiện các quy định về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng

Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm các yêu cầu:

Quy định rõ các điều kiện, yêu cầu đặc thù của loại hình quảng cáo trên môi trường mạng, quảng cáo xuyên biên giới, các chế tài nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật, chống thất thu thế, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Rà soát, nghiên cứu quy định về diện tích quảng cáo trên báo in và quảng cáo trên báo nói, thời lượng quảng cáo trên truyền hình theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, có sự linh hoạt về tỷ lệ diện tích, thời lượng quảng cáo và công khai, minh bạch nội dung này để người dân, doanh nghiệp lựa chọn.

Quy định về cấp giấy phép công trình xây dựng quảng cáo: Việc gắn bảng hiệu, biển quảng cáo lên các với công trình xây dựng có sẵn cần bảo đảm sự an toàn của công trình, cũng như của các công trình lân cận và sự an toàn của cộng đồng nói chung. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu quy định về vấn đề này nhằm cắt giảm thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo, bên cạnh đó quy định các chế tài để ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm, bảo đảm sự an toàn của công trình, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, sự an toàn của biển hiệu, bảng quảng cáo; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường, chịu trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật…

Nội dung sản phẩm quảng cáo phải trung thực, chính xác, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không trái pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như thuốc, thực phẩm…

Nghiên cứu, xây dựng các quy định về quảng cáo cho người yếu thế, trẻ em, người cao tuổi, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần…

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm và bảo vệ việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát để cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, quy định của dự thảo Luật phải thể hiện rõ nguyên tắc, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước giữa cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, các biểu hiện vi phạm pháp luật khác; bảo đảm sự quản lý Nhà nước thống nhất về các vấn đề mang tính chuyên môn, chuyên ngành.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát, quy định rõ trách nhiệm các Bộ, cơ quan, địa phương đối với hoạt động quảng cáo, bảo đảm phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước giữa cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương, tăng tính chủ động cho địa phương.

Đa dạng các gói dịch vụ bảo hiểm y tế

Chính phủ nhất trí thông qua: 05 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh, đồng thời, điều chỉnh tên gọi của dự án Luật từ “Luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe” thành “Luật Phòng bệnh” và 04 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xây dựng luật, Bộ Y tế cần dựa trên kết quả rà soát các bất cập, hạn chế trong quản lý Nhà nước để thiết kế các quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành; tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, chỉnh lý Hồ sơ Đề nghị xây dựng luật, bảo đảm các yêu cầu cụ thể sau:

Về Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh: Tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, đánh giá kỹ để làm rõ các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật; chủ động bố trí nguồn lực về tài chính, chuyên gia để soạn thảo luật, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng của dự án Luật khi trình thông qua, đồng thời, tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Cần thiết kế các quy định để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác phòng bệnh theo hướng: Lấy chính quyền cấp cơ sở (xã, phường) làm hạt nhân để phát huy tính chủ động, sáng tạo, kịp thời của công tác phòng, chống dịch bệnh; nhân dân vừa là trọng tâm để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, vừa là chủ thể trong công tác phòng bệnh; cần xác định cho được mục tiêu hướng tới cần đạt được trong việc phát triển thể lực người Việt.

Cần thiết kế các quy định trong luật để đảm bảo chủ động về nguồn lực cho công tác phòng bệnh, theo đó: từ kinh nghiệm trong phòng chống đại dịch COVID-19, thống nhất với đề xuất cần có quỹ Phòng bệnh trên cơ sở sửa đổi, bổ sung quy định của luật hiện hành về Quỹ phòng bệnh, nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ sự đóng góp của nhân dân cũng như từ nguồn từ ngân sách Nhà nước hằng năm bổ sung cho Quỹ này để chủ động tổ chức triển khai các hoạt động phòng bệnh.

Do yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.

Về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế: Đây là chính sách lớn có tác động đến xã hội, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên quá trình soạn thảo cần đánh giá thực tiễn, có sự tham gia của các bên nhằm khắc phục những tồn tại, hướng tới mục tiêu cao nhất nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Luật cần thể chế hóa Nghị quyết 42 của Trung ương về mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế toàn dân, đa dạng các gói dịch vụ bảo hiểm y tế nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm chi phí người dân chi trả trực tiếp cho dịch vụ y tế.

Cần có chính sách để bảo đảm tính bền vững của Quỹ, nhất là sử dụng hiệu quả Quỹ khi có kết dư; luật cần quy định cho người dân tham gia bảo hiểm y tế được khám kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện bệnh từ sớm, từ xa với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; về vấn đề dự toán chi, Chính phủ ủng hộ phương án do Bộ Y tế trình.

Có cơ chế để thúc đẩy phát triển y tế cơ sở, kiểm soát thanh toán bảo hiểm y tế thông qua phác đồ điều trị chuẩn để đảm bảo công khai, minh bạch; tăng chi cho y tế cơ sở.

Cần có một chương về chuyển đổi số, kết nối dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Về Đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện theo hướng: Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như: Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ… và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là các luật liên quan về cơ sở dữ liệu; bảo đảm các chính sách hợp lý, hiệu quả và khả thi. Tích cực tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về quản lý dữ liệu, ứng dụng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ dữ liệu cá nhân, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền tối đa gắn với phân bổ nguồn lực và trách nhiệm; không quy định về tổ chức bộ máy trong luật.

Về Chính sách 1: Thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách. Tuy nhiên, để tránh gây xung đột trong hệ thống pháp luật, trong quá trình soạn thảo Luật cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng bảo đảm không chồng chéo với các luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông… nhất là dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ có phạm vi điều chỉnh về dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương, cơ sở dữ liệu dùng chung…. Tiếp tục làm rõ về khái niệm dữ liệu, đối tượng, phạm vi quản lý.

Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, cần tiếp tục rà soát để tránh trùng lặp; bảo đảm linh hoạt, hiệu quả trong huy động nguồn lực.

Về Chiến lược dữ liệu, cần quy định ban hành Chiến lược quốc gia, các Bộ, ngành ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược; tiếp tục rà soát thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ, trong đó rà soát thẩm quyền ban hành Chiến lược dữ liệu quốc gia cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Về Chính sách 2: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách. Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát để làm rõ việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các ngành, lĩnh vực bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp, gây lãng phí; đồng thời bảo đảm bí mật thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các cơ quan quản lý Nhà nước cùng khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên cơ sở dữ liệu chung cho mục đích quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Về Chính sách 3: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách. Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hoàn thiện theo hướng, quy định nguyên tắc chung trong xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, Trung tâm dữ liệu quốc gia; giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng quy định cụ thể để bảo đảm sự linh hoạt khi triển khai trên thực tế, phù hợp về thẩm quyền; không quy định về tổ chức của Trung tâm dữ liệu quốc gia trong Luật.

Về Chính sách 4: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách. Cần tiếp tục rà soát bảo đảm thống nhất về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan; làm rõ quy định dữ liệu là tài sản; mua, bán dữ liệu, quản lý tài sản dữ liệu, quản lý dịch vụ dữ liệu bảo đảm các quyền, trách nhiệm của các Bộ, ngành sở hữu cơ sở dữ liệu, phù hợp với pháp luật về ngân sách Nhà nước, quản lý tài sản công, đầu tư, giá, phí… trong khai thác, vận hành các cơ sở dữ liệu.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích