Đồng bằng sông Cửu Long: Bao giờ “đánh thức” tiềm năng?
(Xây dựng) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây. Vùng này đóng góp 56% sản lượng lúa gạo (24,5 triệu tấn), 98% sản lượng cá tra (1,41 triệu tấn) và 60% các loại trái cây cả nước (4,3 triệu tấn), 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên thời gian dài, vùng được xem như là vùng trũng về kinh tế, giáo dục, y tế. Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên cho vùng để phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Nhưng đến nay, tài nguyên về năng lượng sạch, cảng biển vẫn chờ chính sách.
Đoàn khảo sát định hướng đầu tư cảng Hòn Khoai của UBND tỉnh Cà Mau. |
Xuất khẩu năng lượng sạch chờ chính sách
Hơn 2 năm qua, các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL như: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau chờ chính sách xuất khẩu năng lượng sạch. Ngày 09/02/2023, đại diện 2 Chính phủ Việt Nam và Singapore đã ký kết “Biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác kinh tế xanh, kinh tế số Việt Nam – Singapore” làm các địa phương vùng ven biển mơ giấc mơ đổi đời. Chỉ tính 03 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng có thể phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời xuất khẩu với tổng quy mô công suất từ 26.000 – 36.000 MW. Trong đó, Cà Mau dự kiến 4.000 – 10.000 MW điện gió ngoài khơi và 1.500 – 6.000 MW điện mặt trời. Sóc Trăng dự kiến 3.500 MW điện gió ngoài khơi và 850 MW điện mặt trời. Bạc Liêu dự kiến 10.000 MW điện gió ngoài khơi và 6.000 MW điện mặt trời.
Tháng 9/2023, UBND tỉnh Cà Mau có tờ trình gửi Bộ Công Thương đề xuất về kế hoạch xuất khẩu điện các năm 2031, 2035 và 2040 lần lượt là khoảng 2.000 MW, 3.000 MW và 5.000 MW. Các nguồn điện xuất khẩu gồm điện gió ngoài khơi, các nguồn điện gió trên bờ và gần bờ, các nguồn điện mặt trời, các nguồn điện sinh khối, hệ thống tích trữ năng lượng (BESS). Dự án này đã có các nhà đầu tư quan tâm gồm Công ty CP Điện Gia Lai, Công ty PACC Offshore Services Holdings Ltd (Singapore)… Theo phương án được UBND tỉnh Cà Mau đề nghị, sẽ xây dựng đường truyền tải, gồm các trạm chuyển đổi xoay chiều, đường dây cao áp một chiều trên không, đường cáp ngầm từ điểm tiếp bờ Khai Long đến Singapore với chiều dài khoảng 900 km. Nhiều nước trong khu vực có nhu cầu lớn nhập khẩu điện từ Cà Mau. Trong đó, Singapore đã phát hành hồ sơ yêu cầu nhập khẩu điện, với mục tiêu nhập khẩu 4.000 MW năng lượng tái tạo đến năm 2035.
Tương tự, trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn The Green Solution, Trà Vinh cũng bày tỏ mong muốn được triển khai dự án có quy mô xuất khẩu khoảng 1.000 MW cùng hệ thống trạm chuyển đổi, điểm đấu nối từ trạm chuyển đổi đến đường dây cáp ngầm trên biển dài trên 1.100 km… Các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ hoạt động xuất khẩu điện sang Singapore sẽ không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia mà chỉ tập trung sản xuất điện phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội hồi tháng 9/2023, lãnh đạo 3 tỉnh “tha thiết” kiến nghị với Trung ương xem xét chính sách cho xuất khẩu điện. Thế nhưng hiện nay, nhiều dự án năng lượng sạch hoàn thành nhưng chưa đấu nối và chờ đến bao giờ mới có chính sách xuất khẩu năng lượng sạch. Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Trà Vinh cho rằng, khi khung pháp lý về điện được hoàn thiện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển một ngành kinh tế mới, đó là năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi… để Việt Nam có thể xuất khẩu điện sang Singapore và các nước ASEAN. Vì Việt Nam có tiềm năng rất lớn với hơn 3.000 km bờ biển. Điều này không chỉ góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo sinh kế, việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương, trong đó có Trà Vinh và các tỉnh ven biển ĐBSCL.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là hướng đi đúng đắn hiện nay của các quốc gia, điển hình như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Gần đây nhất, Thái Lan đã nâng mục tiêu tăng tỷ lệ sản xuất điện tái tạo lên cao hơn 50% tổng lượng điện năng tiêu thụ của nước này trong 15 năm tới. Do vậy, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm và sớm triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực này, vì “nắng và gió” là nguồn tài nguyên vô hạn, có giá trị vô cùng lớn mà thiên nhiên ban tặng, nó sẽ tạo điều kiện cho các DN, đặc biệt là các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài tích cực phát triển sản xuất xanh, tạo ra các loại hàng hóa xuất khẩu “Made in Việt Nam” đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn môi trường của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới – các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết, từ đó tạo ra sự tăng trưởng đột biến trong kinh tế thương mại quốc tế.
Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu cũng là nơi thu hút du lịch. |
Cần đầu tư xây dựng cảng biển cấp vùng
Tháng 9/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 5832/VPCP-QHĐP giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL khẩn trương thực hiện nhiệm vụ xây dựng Báo cáo điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ, trong đó có việc nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đất mũi Cà Mau. Tuy nhiên hiện nay, do chưa quy hoạch chi tiết, cùng với cơ chế chính sách ưu đãi chưa có nên dự án cảng Hòn Khoai có vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD này vẫn chỉ là tiềm năng, chờ đợi.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của nước ta trung bình ở mức 16,8 – 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới, ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam. Riêng tại ĐBSCL, vựa nông sản và thủy sản của cả nước, chi phí logistics chiếm tới 30% giá thành sản phẩm các mặt hàng nông sản, thủy sản. Nguyên nhân chính và cũng là điểm nghẽn lớn nhất của vùng là hệ thống logistics chưa phát triển, thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Hiện có khoảng 90% hàng hóa của vùng được chuyển bằng đường bộ đến các cảng tại TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu để xuất khẩu. Điều này làm đội chi phí logistics, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa ĐBSCL.
Đại biểu Thanh đề xuất, cần gấp gút xây dựng Cảng Hòn Khoai là động lực phát triển cho vùng ĐBSCL. Đảo Hòn Khoai có diện tích khoảng 4 km2, nằm ở phía Đông Nam Mũi Cà Mau, cách đất liền khoảng 14,7 km, cách đường hàng hải quốc tế khoảng 20 hải lý; cách TP.HCM khoảng 340 km. “Vùng biển này có độ sâu từ 15 – 27 m, ổn định luồng lạch, rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển nước sâu và là một trong số ít cảng nước sâu của cả nước cho phép ra vào, bốc dỡ tàu có trọng tải rất lớn (tàu 250.000 tấn). Cảng Hòn Khoai sẽ là động lực phát triển kinh tế – xã hội của không chỉ riêng Cà Mau mà của khu vực ĐBSCL”, đại biểu Thanh nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cùng đoàn công tác của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam và một số nhà đầu tư tiến hành khảo sát thực tế để rà soát quy hoạch, định hướng đầu tư cảng Hòn Khoai. Ông Bi chia sẻ: “Trong chuyến khảo sát mới đây, nhiều thành viên đoàn có ý tưởng tính đến hướng hình thành, phát triển và khai thác các dịch vụ du lịch sinh thái ven biển, hải đảo đối với cảng biển Hòn Khoai trong tương lai. Theo quy hoạch chung, bến cảng Hòn Khoai có đê chắn sóng, bao gồm một khu tạo bãi để xây dựng cho các tàu trọng tải 250.000 tấn cập bến; bến chuyển tiếp có thể đáp ứng cỡ tàu từ 5.000 – 100.000 tấn; khu bến cho tàu lai dắt, tàu tuần tra và dịch vụ. Cùng với đó là hệ thống tuyến cầu dẫn nối đảo Hòn Khoai vào đất liền khoảng 17 km, nối liền đến Khu kinh tế Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) khoảng 42 km… Dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD”.
Khi được đầu tư, Hòn Khoai sẽ trở thành cảng tổng hợp nước sâu lớn nhất trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Dự án đầu tư này cũng là 1 trong 3 trụ cột vững chắc cho động lực phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, gồm: Kiên Giang – Phú Quốc, Trà Vinh – Định An và Khu kinh tế Năm Căn – Hòn Khoai. Tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng khung pháp lý, tạo cơ chế để kêu gọi đầu tư. Cho phép DN đầu tư dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập DN 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo theo quy định. Đồng thời, được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đầu tư đặc biệt được quy định tại khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 6 và khoản 1 Điều 7 theo Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Đã đến lúc, tiềm năng cần được “đánh thức” tránh lãng phí nguồn tài nguyên, tăng ngân sách là trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn.
Nguồn: Báo xây dựng