Quảng Nam: Kiến nghị Chính phủ có chủ trương trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam
(Xây dựng) – Ngày 25/6, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa có Tờ trình 4570 gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, đề xuất một số chủ trương về chương trình phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.
Quảng Nam có diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã được xác định hơn 15.567ha. |
Quy hoạch hơn 15.567ha bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh
Tỉnh Quảng Nam là một trong 2 địa phương (cùng với tỉnh Kon Tum) có cây đặc hữu sâm Ngọc Linh được xem là cây quốc bảo của Việt Nam. Căn cứ Quyết định số 611 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; UBND tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phát triển sâm trên địa bàn tỉnh và bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
Hiện nay, cây sâm Ngọc Linh đã và đang từng bước phát triển, tạo nên diện mạo mới, tạo thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm này của tỉnh đã được xác định hơn 15.567ha. Ngoài ra, tỉnh đang nghiên cứu trồng di thực sâm này ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng.
Tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh là 1.428ha, diện tích trồng trên địa bàn tỉnh hơn 1.243ha, chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My, hơn 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến sâm Ngọc Linh. Các doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh gồm: Trà túi lọc sâm Ngọc Linh, nước uống sâm Ngọc Linh, mật ong sâm Ngọc Linh, rượu Diệp linh sâm, dung dịch uống sâm Ngọc Linh, viên ngậm sâm Ngọc Linh… với lượng nguyên liệu tiêu thụ khoảng 50 – 60 kg/năm.
Bên cạnh đó, sản phẩm sâm Ngọc Linh được đưa vào giới thiệu và tiêu thụ trong các phiên chợ hằng tháng tại huyện Nam Trà My với lượng sâm củ Ngọc Linh tiêu thụ trung bình khoảng 30 kg/phiên/tháng.
Ngoài ra, địa phương cũng thực hiện nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật về sâm Ngọc Linh, kêu gọi phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn. Thực hiện một số dự án đầu tư bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; xúc tiến thương mại, du lịch.
Sớm ban hành Luật Sâm Việt Nam
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc phát triển sâm Ngọc Linh có một số khó khăn, vướng mắc như tháng 1/2024, Quốc hội thông qua Luật Đất đai số 31, trong đó có sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Theo quy định tại khoản 7, khoản 8 và khoản 9, Điều 248 Luật Đất đai năm 2024 có quy định nội dung cho thuê môi trường rừng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu.
Tuy nhiên chưa có quy định trình tự thủ tục về hồ sơ, quy định về thời gian thuê, mức giá thuê và hạn mức thuê để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương.
Tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ có chủ trương trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam. |
Theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ, tại Phụ lục Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì sâm Ngọc Linh (tự nhiên) thuộc nhóm IA do Cơ quan quản lý CITES cấp mã số cơ sở nuôi, trồng vì mục đích xuất khẩu. Nhưng đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để xác định thế nào là sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo. Do đó, rất khó khăn trong việc tham mưu, đề xuất cấp mã số cho cơ sở nuôi, trồng đối với sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và triển khai phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng đến xuất khẩu đối với sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo. Qua đó, ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất, quản lý cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.
Chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng cho cây sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu khác trồng trên đất lâm nghiệp, dưới tán rừng tự nhiên.
Tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển sâm Ngọc Linh tại địa phương nhưng chưa đủ mạnh; khả năng thu hút đầu tư, phát triển, xây dựng hình thành các nhà máy, khu công nghiệp dược còn nhiều hạn chế. Chưa hình thành được các vùng sản xuất dược liệu nguyên liệu tập trung theo GACP.
Nguồn nhân lực đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển sâm Ngọc Linh còn mỏng, đa số là kiêm nhiệm nên khó khăn trong việc hỗ trợ phát triển dược liệu nói chung, cây sâm Ngọc Linh nói riêng. Việc đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển cây sâm Ngọc Linh chưa nhiều.
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ một số nội dung.
Trong đó kiến nghị Chính phủ chủ trương đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng sâm Ngọc Linh, nâng cấp Quốc lộ 40B (đoạn huyện Bắc Trà My – giáp tỉnh Kon Tum, dài 45km, tỉnh chịu kinh phí giải phóng đền bù), dự kiến kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng tuyến đường chiến lược vùng sâm Ngọc Linh (dài 60km), dự kiến kinh phí khoảng 911 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ có chủ trương trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam. Kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển sâm tại tỉnh như Vingroup, TH True Milk. Chọn một ngày trong năm người dân Việt Nam dùng sâm Việt Nam (đề xuất ngày 1/8 hằng năm).
Tỉnh này cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm quan tâm hướng dẫn việc thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu theo Điều 248 Luật Đất đai năm 2024. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất tổ chức Lễ hội Sâm quốc gia tại Quảng Nam vào năm 2025. Bộ Y tế sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực; Có cơ chế đưa sản phẩm sâm Việt Nam vào bảo hiểm y tế. Đánh giá hội dược điển về các tiêu chuẩn sâm Ngọc Linh.
Nguồn: Báo xây dựng