Tây Ninh: Thông qua Đồ án quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2045
(Xây dựng) – HĐND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành Nghị quyết số 159/NQ-HĐND thông qua Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2045.
Bàn chủ trì Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Vạn Tâm) |
Cực tăng trưởng mới cạnh tranh với khu vực và quốc tế
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tuân thủ nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045 phê duyệt tại Quyết định số 966/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Bến Cầu, các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và xã Phước Chỉ, Phước Bình thuộc thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Tổng diện tích tự nhiên Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là khoảng 21.284ha. Thời hạn lập quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
Việc quy hoạch này nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành vùng động lực mới, cực tăng trưởng phát triển kinh tế có tầm cạnh tranh với khu vực và quốc tế; là đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữa Việt Nam với Campuchia và khu vực ASEAN; là trung tâm dịch vụ cửa khẩu, cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic; là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới đất liền tại vùng Đông Nam bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu ý kiến tại Kỳ họp HĐND tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Vạn Tâm) |
Đồng thời, phát triển khu kinh tế theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, đô thị xanh – sạch, thông minh, bền vững, có bản sắc dân tộc trong hội nhập, kết nối quốc tế; nâng cao hiệu quả sử dụng đất và chất lượng cuộc sống; bảo vệ, phát triển bền vững với môi trường; tiến tới hoàn thành các chiến lược của quốc gia, vùng Đông Nam bộ và tỉnh về công nghiệp, đô thị, du lịch, nông nghiệp.
Đáp ứng yêu cầu mới trong chiến lược đảm bảo nhiệm vụ, mục tiêu quốc phòng – an ninh; phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới, khắc phục vấn đề tồn tại về phát triển biên mậu, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa – xã hội và đảm bảo vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển đồng bộ, hài hòa, bền vững.
Làm cơ sở pháp lý, quản lý sử dụng đất đai khu kinh tế; quản lý phát triển, đầu tư xây dựng trong khu kinh tế; đầu tư hoàn thiện hệ thống kỹ thuật khung; lập quy hoạch chung (nếu có), quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư, chương trình phát triển đô thị và phân loại đô thị Bến Cầu trước năm 2030.
Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực
Về tính chất, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với các chức năng công nghiệp – đô thị – thương mại – dịch vụ – du lịch và nông – lâm nghiệp gắn với các hoạt động đối ngoại của quốc gia, giao lưu kinh tế, văn hóa và quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam, Campuchia và khu vực ASEAN.
Cùng với đó, đây là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng giữa Việt Nam và Capuchia; là trung tâm công nghiệp – đô thị – thương mại dịch vụ và logistic của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với chức năng công nghiệp – đô thị, cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic có vai trò chủ yếu, kết hợp với phát triển du lịch và phát triển các ngành kinh tế khác.
Ngoài ra, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có vị trí quan trọng, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố quốc phòng – an ninh.
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài được quy hoạch thành cực tăng trưởng mới cạnh tranh với khu vực và quốc tế. (Ảnh: Vạn Tâm) |
Dự báo đến năm 2030, quy mô dân số Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài khoảng 105.000 – 155.000 người. Đến năm 2045 dân số dự báo khoảng 310.000 người.
Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị, các khu chức năng thuộc khu kinh tế, các khu chức năng khác và khu công nghiệp khoảng 6.500 – 7.500ha (trong đó đất dân dụng khoảng 2.000 – 2.500ha); đất nông nghiệp và đất khác khoảng 13.784ha.
Đến năm 2045: Đất xây dựng đô thị, các khu chức năng thuộc khu kinh tế, các khu chức năng khác và khu công nghiệp khoảng 10.500 – 12.500ha (trong đó đất dân dụng khoảng 3.500 – 4.000ha); đất nông nghiệp và đất khác khoảng 8.784ha.
Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, đến năm 2045 sẽ áp dụng theo các tiêu chí tương đương tiêu chuẩn đô thị loại II, đảm bảo, phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định hiện hành, có xét đến yếu tố đặc thù của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Để thực hiện Nghị quyết này, HĐND tỉnh Tây Ninh giao UBND tỉnh hoàn chỉnh các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền quyết định và tổ chức, triển khai thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời, giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh tuyên truyền và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài gần 234km tiếp giáp với 3 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, Tboung Khmum thuộc Vương quốc Campuchia. Tỉnh Tây Ninh hiện có 16 cửa khẩu, gồm: 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam), 3 cửa khẩu chính (Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân) và 10 cửa khẩu phụ. |
Nguồn: Báo xây dựng