Cổ phiếu SRF vẫn chưa thể “thoát” chế tài

(Xây dựng) – Sau khi cổ phiếu SRF bị áp dụng chế tài hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2023, Công ty Cổ phần Searefico đã hoàn thành nghĩa vụ vào ngày 5/6. Tuy nhiên, “sự cố” chưa dừng lại ở đó khi báo cáo tài chính này lại nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Cổ phiếu SRF vẫn chưa thể “thoát” chế tài
Cổ phiếu SRF chưa thoát diện hạn chế giao dịch thì lại bị đưa vào cảnh báo.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) một lần nữa ra quyết định đưa cổ phiếu SRF của Công ty Cổ phần Searefico vào diện cảnh báo kể từ ngày 14/6/2024.

Nguyên nhân được HOSE đưa ra là do báo cáo tài chính kiểm toán 2023 của Searefico nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

Đơn vị kiểm toán cho biết, đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, các khoản công nợ phải thu, nợ phải trả và hàng tồn kho… chưa thu thập được đầy đủ số liệu cần thiết.

Cụ thể, chưa thể thu thập được đầy đủ các thư xác nhận về các số dư nợ phải thu tại ngày 31/12/2023 và tại ngày 31/12/2022, cũng như chưa đủ bằng chứng kiếm toán thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi của các khoản phải thu tại các thời điểm tương ứng với tổng giá trị lần lượt hơn 114 tỷ đồng và hơn 130 tỷ đồng.

Đồng thời, chưa thu thập được đầy đủ các thư xác nhận về số dư các khoản nợ phải trả tại ngày 31/12/2023 và tại ngày 31/12/2022 với tổng giá trị lần lượt hơn l17 tỷ đồng và gần 121 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán còn cho biết, do đuợc bổ nhiệm làm kiểm toán sau thời điểm kết thúc năm tài chính 2023 nên vẫn không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá tính đầy đủ và giá trị thuần có thể thực hiện được của các công trình xây dựng dở dang đang trình bày trên khoản mục “Hàng tồn kho” với giá trị tại ngày 31/12/2023 là 101 tỷ đồng và tại ngày 31/12/2022 là 101 tỷ đồng.

Cùng với đó, CTCP Xây dựng số 1 (COFICO) – Công ty con của Searefico đang ghi nhận khoản phạt liên doanh số tiền 22 tỷ đồng mà Searefico phải trả bao gồm khoản tiền phạt trễ tiến độ và các chi phí khác liên quan đến dự án Gateway Thảo Điền, tuy nhiên phía Searefico vẫn chưa ghi nhận do chưa thống nhất giá trị nên chưa thể thu thập đuợc đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về sự không chắc chắn xảy ra nghĩa vụ của Công ty đối với COFICO.

Do đó, chưa thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu liên quan đến dự phòng nợ phải thu khó đòi, cũng như ảnh hưởng của vấn đề nêu trên đến các khoản mục khác có liên quan trên báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023.

Lý giải về ý kiến liên quan đến dư nợ phải thu và nợ phải trả, Searefico cho biết đã ghi nhận theo đúng thực tế phát sinh, công nợ được theo dõi chi tiết theo từng đối tượng, có đầy đủ hợp đồng kinh tế, hóa đơn tài chính và chứng từ thanh toán theo quy định. Thư xác nhận công nợ được phát hành đầy đủ và kịp thời theo yêu cầu kiểm toán, đồng thời cũng đã thông tin đến khách hàng, nhà cung cấp, nhà thầu phụ để đối chiếu xác nhận và gửi lại cho đơn vị kiểm toán.

Cũng theo Searefico, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả, trình bày trên báo cáo tài chính phản ánh đúng quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng, nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhưng vì lý do khách quan Công ty không thể chủ động đảm bảo thư xác nhận công nợ gửi về theo đúng thời hạn.

Đối với vấn đề hàng tồn kho, Searefico cho biết các dự án công trình, các chi phí thực tế đã phát sinh liên quan đển các dự án đã được Công ty ghi nhận đầy đủ, việc nghiệm thu, quyết toán với chủ đầu tư để ghi nhận doanh thu – giá vốn là hoàn toàn phù hợp. Số liệu xây dựng dở dang cuối kỳ đang trình bày ở khoản mục “Hàng tồn kho” là phần giá trị công việc đã thực hiện còn lại mà Công ty đang làm việc với chủ đầu tư để nghiệm thu/quyết toán các dự án này.

Đối với công nợ liên quan đến COFICO, Searefico cho hay, có phát sinh thỏa thuận hợp đồng ngày 24/10/2016 với COFICO – tổng thầu. Phía COFICO đang ghi nhận khoản phạt liên doanh hơn 22 tỷ đồng, bao gồm tiền phạt trễ tiến độ và các chi phí khác liên quan đến dự án này. Tuy nhiên, giá trị khoản phạt COFICO đơn phương ghi nhận không đủ căn cứ và chưa được sự đồng thuận giữa các bên. Đến thời điểm hiện tại, Searefico vẫn đang làm việc với COFICO để xác định rõ lợi ích và nghĩa vụ các bên liên doanh có liên quan đến hợp đồng thi công dự án.

Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến loại trừ của đơn vị kiểm toán như trên, HOSE vẫn đủ căn cứ để tiếp tục đưa cổ phiếu SRF một lần nữa vào diện cảnh báo theo điểm c khoản 1, Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích