Quảng Bình: Tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn
(Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Công văn số 1013/UBND-KT, về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các Sở, ban, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng. |
Theo đó, thực hiện Công văn số 909/BXD-TTr ngày 04/3/2024 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp các quy định của pháp luật. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; định kỳ làm việc với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt tình hình, kịp thời hướng dẫn, xử lý những vướng mắc phát sinh.
Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự xây dựng của các công trình nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị và nhà ở riêng lẻ thuộc các khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định, đảm bảo việc xây dựng và sử dụng đúng quy định pháp luật; kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm; tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng theo quy định. Tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng báo cáo Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh theo định kỳ 6 tháng.
Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong công tác quản lý trật tự xây dựng nhằm thực thi các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tạo không gian kiến trúc cảnh quan, môi trường đô thị và nông thôn hiện đại và bền vững; tránh để xảy ra các vi phạm trật tự xây dựng, thường xuyên quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn được phân công quản lý.
Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị: Phối hợp với chủ đầu tư tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo việc tuân thủ quy hoạch chi tiết được duyệt, thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt, giấy phép xây dựng được cấp, đúng mục đích sử dụng đất và các nội dung khác của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với nhà ở riêng lẻ thuộc các khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định: Việc xây dựng phải tuân thủ quy hoạch xây dựng được duyệt hoặc phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, giấy phép xây dựng được cấp; đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn. Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm. Đối với công trình đã thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng mà chủ đầu tư (chủ nhà) sửa chữa, cải tạo, chuyển đổi công năng sử dụng một phần hoặc toàn bộ phải kiểm tra việc xin giấy phép sửa chữa, cải tạo theo quy định, tuân thủ pháp luật về xây dựng và phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự xây dựng của các công trình nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị và nhà ở riêng lẻ thuộc các khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định, đảm bảo việc xây dựng và sử dụng đúng quy định pháp luật; kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm; tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng theo quy định. Kết quả thanh tra, kiểm tra báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ 6 tháng (thông qua Sở Xây dựng).
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, công trình xây dựng vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, lưới điện, thủy lợi, đê điều, viễn thông, di tích lịch sử – văn hóa…; phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình thực hiện các quyết định cưỡng chế, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn.
Nguồn: Báo xây dựng