Loạt trụ sở nằm trên ‘đất vàng’ ở Huế không thể đấu giá

Có vị trí đắc địa khi nằm trên trục đường chính Lê Lợi, chạy dọc tuyến sông Hương thơ mộng nhưng một loạt trụ sở cũ của tỉnh Thừa Thiên – Huế không thể đấu giá cho thuê do vướng cơ chế.

Hơn 2 năm qua, nhiều người dân và nhà đầu tư bày tỏ tiếc nuối khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh nhếch nhác, lãng phí tại các trụ sở cũ của một số cơ quan tỉnh Thừa Thiên – Huế. Những công trình này nằm “án binh bất động” trên các khu “đất vàng” trục đường trung tâm Lê Lợi (TP Huế).

Theo đề án của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ đầu năm 2022, hàng loạt cơ quan có trụ sở tại trục đường chính Lê Lợi được di dời về Trung tâm hành chính công của tỉnh nằm trên đường Võ Nguyên Giáp.

Loạt trụ sở nằm trên 'đất vàng' ở Huế không thể đấu giá
Hơn 2 năm qua, nhiều trụ sở nằm trên “đất vàng” dọc tuyến đường trung tâm Lê Lợi bị bỏ hoang, gây lãng phí. Ảnh: QT
Loạt trụ sở nằm trên 'đất vàng' ở Huế không thể đấu giá
Bên trong khuôn viên các trụ sở cũ này, cỏ mọc um tùm. Ảnh QT

Cụ thể, tháng 4/2022, Sở Y tế Thừa Thiên – Huế bắt đầu di dời trụ sở làm việc về Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Đồng thời, các đơn vị trực thuộc cạnh bên như Phòng khám chuyên khoa kế hoạch hóa gia đình (28B Lê Lợi), Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (30 Lê Lợi) cũng chuyển về trụ sở làm việc mới.

Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh nằm sát đó cũng rời khỏi tòa nhà xây từ thời Pháp thuộc để tạo thành liên khu đất từ 26 đến 30A đường Lê Lợi (đoạn từ đường Phạm Hồng Thái đến Hoàng Hoa Thám) nhằm kêu gọi đầu tư xây dựng khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Cùng thời điểm này, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng rời khỏi số 22 đường Lê Lợi để tạo quỹ đất từ số 22 đến 24 Lê Lợi (gồm các khu đất của Sở GD-ĐT, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nhà báo tỉnh) nhằm thu hút đầu tư khu phức hợp như trên.

Loạt trụ sở nằm trên 'đất vàng' ở Huế không thể đấu giá
Hạ tầng, tài sản bị hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: QT

Bán không được, để không xong

Sau khi các cơ quan trả trụ sở cũ chuyển đến làm việc tại địa điểm mới, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xây dựng phương án, kêu gọi đầu tư các dự án tổ hợp khách sạn và dịch vụ du lịch cao cấp trên các khu “đất vàng”.

Trong đó, khu đất số 22-24 đường Lê Lợi với diện tích hơn 4.830m2, tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng khách sạn đạt tối thiểu 270 phòng, có phòng hội nghị 500m2 trở lên cùng khu nhà hàng và các dịch vụ du lịch.

Khu đất từ 26-28-30, đường Lê Lợi có diện tích hơn 6.230m2, tỉnh kêu gọi đầu tư tổ hợp khách sạn khoảng 250-300 phòng, 4 mặt tiền đường phải bố trí khu vực thương mại dịch vụ, tạo không gian thoáng để kết nối với trục không gian văn hóa nghệ thuật dọc đường Lê Lợi và bờ sông Hương…

Loạt trụ sở nằm trên 'đất vàng' ở Huế không thể đấu giá
Khu “đất vàng” số 22 Lê Lợi, trụ sở cũ của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh QT
Loạt trụ sở nằm trên 'đất vàng' ở Huế không thể đấu giá
Trụ sở làm việc cũ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế với ngôi nhà kiến trúc Pháp. Ảnh QT

Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, 2 năm qua chưa có doanh nghiệp nào mặn mà với lời mời gọi của địa phương.

Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh cho biết, theo bản quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên – Huế vừa được Thủ tướng phê duyệt, các khu “đất vàng” kể trên được quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ.

Do vậy, khi có nhà đầu tư muốn thuê đất thì phải đập bỏ những ngôi nhà từng là trụ sở của các cơ quan công quyền vì không còn đáp ứng đúng công năng dịch vụ du lịch, khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí đập phá.

“Tuy nhiên, tài sản trên đất là tài sản công nên vẫn phải đấu giá cùng khu đất theo quy định, điều này là không khả thi với doanh nghiệp. Do vướng cơ chế, các khu đất rơi vào thế kẹt, bán không được, để không xong”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Loạt trụ sở nằm trên 'đất vàng' ở Huế không thể đấu giá
Quy định chặt chẽ trong việc bán, thanh lý tài sản công và vướng nhiều cơ chế khác, loạt trụ sở trên “đất vàng” ở Thừa Thiên – Huế không thể bán cho nhà đầu tư. Ảnh: QT

Trao đổi với VietNamNet, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ TN&MT để xem xét lại các trường hợp này, bởi nếu áp dụng bán theo tài sản công sẽ rất khó trong việc kêu gọi các nhà đầu tư.

“Chúng tôi đề xuất quy hoạch sử dụng đất cho mục đích thương mại dịch vụ, nên cho phép tỉnh thanh lý tài sản trên đất, tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư, đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai.

Người đấu giá được phép trả tiền thuê đất hằng năm hay trả tiền thuê đất một lần, tùy theo năng lực tài chính của nhà đầu tư, có như vậy may ra nhà đầu tư mới tiếp cận được”, ông Phương nêu ý kiến.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích