Quốc hội chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn
(Xây dựng) – Sáng 5/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hành tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, điều hành phiên chất vấn. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, điều hành phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán. |
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trải qua hơn một phần tư thế kỷ với tư cách là cơ quan được Quốc hội thành lập có chức năng đánh giá kết luận, kiến nghị tình hình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vai trò của Kiểm toán trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định.
Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng hoạt động, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, phục vụ tốt cho Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời phục vụ cho Quốc hội trong công tác điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công.
Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Kiểm toán Nhà nước cũng đã khẳng định được tầm quan trọng thông qua việc kiểm toán, phát hiện kịp thời những sai phạm, từ đó có kiến nghị tăng thu giảm chi, góp phần giảm thất thoát tài chính công, tài sản công, đồng thời đưa ra những kiến nghị điều chỉnh kịp thời với chính sách, pháp luật, chống thất thoát, lãng phí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước không tránh khỏi có những tồn tại, hạn chế, Tổng Kiểm toán Nhà nước mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội để Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính các vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán. |
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn đối với 3 nhóm vấn đề: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán Nhà nước; Giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán…
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội rất cụ thể, bám sát nội dung chất vấn. Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính Nhà nước, quản lý sử dụng có hiệu quả tài chính, tài sản công, giúp Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm.
Phiên chất vấn đã có 35 đại biểu đăng ký phát biểu và đã được phát biểu chất vấn hết, trong đó có 01 ý kiến tranh luận. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã cung cấp những thông tin xác thực, chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị và có kiến nghị góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tăng liên tục qua từng năm, thu nộp về ngân sách Nhà nước với số tiền khá lớn. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Kiểm toán Nhà nước triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán từng bước được khắc phục.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng lĩnh vực kiểm toán vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Kết quả kiểm toán chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Việc phát hiện hành vi tham nhũng còn khó khăn. Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Còn có kiểm toán viên vi phạm quy chế làm việc, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Còn một số trường hợp chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030; tập trung kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là những vấn đề dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Cung cấp kịp thời báo cáo kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện, từng bước chuyển đổi từ quy trình kiểm toán truyền thống sang quy trình kiểm toán số, dựa trên nền tảng dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Có biện pháp xử lý kịp thời, đúng pháp luật các Đoàn kiểm toán, kiểm toán viên đưa ra kết luận, kiến nghị thiếu bằng chứng, không đủ căn cứ pháp lý, dẫn đến thiếu khả thi, khó thực hiện.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Kiểm toán Nhà nước. Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là các kết luận, kiến nghị còn tồn đọng.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, kết nối liên thông với Bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi công vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương để hạn chế trùng lặp, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hàng năm.
Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp chậm hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Nghiên cứu cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán thu hồi, hoàn trả, giảm chi ngân sách trong các trường hợp cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự…
Nguồn: Báo xây dựng