Phát triển Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của vùng

(Xây dựng) – Đó là định hướng phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, trong quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 4/5/2024.

Phát triển Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của vùng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động của Trung tâm Điều hành thông minh – IOC tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, về phương hướng phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 trong đó có tỉnh Thái Nguyên, được xác định rõ: Mở rộng mạng lưới bưu chính phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng các trung tâm bưu chính vùng, khu vực tại Phú Thọ, Sơn La và Thái Nguyên; tích hợp các giải pháp công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh về logistics, chú trọng khai thác hạ tầng bưu chính để phát triển các dịch vụ mới nhằm mở rộng hệ sinh thái dịch vụ bưu chính.

Đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao (5G) trên phạm vi toàn vùng; nâng cấp và phát triển hạ tầng internet vạn vật (IoT) để phục vụ cho phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó ưu tiên cho các lĩnh vực thành phố thông minh, nhà máy thông minh, giao thông thông minh. Kết nối, khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số quy mô quốc gia phục vụ cho chuyển đổi số trên địa bàn vùng; hình thành trung tâm dữ liệu lớn vùng, ưu tiên đặt tại các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang; phát triển Thái Nguyên thành trung tâm chuyển đổi số của vùng.

Phát triển Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của vùng
Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên nhận giải thưởng xuất sắc Chuyển đổi số Việt Nam.

Khuyến khích đầu tư hạ tầng thông tin và truyền thông tại khu vực biên giới, trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ dịch vụ viễn thông băng rộng, phủ sóng điện thoại di động và cố định cho vùng biên giới, gắn phát triển dịch vụ viễn thông với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội.

Phát triển hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung phục vụ sản xuất phần cứng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, các sản phẩm điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các địa phương Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.

Phát triển Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của vùng
Các cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, từng bước hướng tới nền hành chính số.

Tổ chức các cơ quan báo chí trong vùng theo hướng hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng. Xây dựng và phát triển một số nhà xuất bản trọng điểm có ảnh hưởng lớn, phân bố hợp lý, hình thành mạng lưới cơ sở phát hành xuất bản phẩm đến cấp huyện, xã. Chú trọng các xuất bản do người dân tộc sản xuất; sử dụng các nền tảng công nghệ số tương tác với người dân và bảo đảm cung cấp thông tin và người dân được tiếp cận thông tin, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; thiết lập cụm thông tin đối ngoại phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại, góp phần ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh tại các địa phương có cửa khẩu quốc tế.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích