Cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách quản lý cây xanh, công viên đô thị

(Xây dựng) – Ngày 26/06, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội thảo “Xây dựng chính sách quản lý cây xanh, công viên đô thị”.

Cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách quản lý cây xanh, công viên đô thị
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo.

Thiếu quy định quản lý, sử dụng cây xanh, công viên đô thị

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiên cứu và cơ bản xây dựng được nội dung dự thảo Nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị (thay thế Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị).

Thông qua đánh giá thực tiễn, Bộ Xây dựng thấy rằng các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương ngày càng quan tâm đến lĩnh vực phát triển cây xanh, công viên đô thị. Việc ban hành các chính sách, đề án, chương trình liên quan đến lĩnh vực này ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, hệ thống công viên, cây xanh ở các đô thị chưa phát triển tương xứng với quy mô đô thị và nhu cầu của người dân đô thị. Nguồn lực dành cho phát triển cây xanh, công viên đô thị còn hạn chế.

Hiện nay, pháp luật chuyên ngành về quản lý cây xanh, công viên đô thị có Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 về quản lý cây xanh đô thị.

Nhưng sau hơn 13 năm thực thi, Nghị định số 64/2010/NĐ-CP đã bộc lộ những điểm hạn chế trong thực tiễn quản lý, đặc biệt là thiếu các quy định quản lý công viên và chưa có quy định hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng cây xanh, công viên đô thị để cụ thể hóa quy định về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

Với những lý do nêu trên, Bộ Xây dựng có 4 quan điểm trong việc xây dựng nội dung dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý cây xanh, công viên đô thị lần này.

Cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách quản lý cây xanh, công viên đô thị
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh thay mặt cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội thảo.

Thứ nhất là đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý phát triển cây xanh, công viên công cộng đô thị trên phạm vi toàn quốc.

Thứ hai là kế thừa, phát triển và làm rõ những quy định về quản lý cây xanh đô thị còn phù hợp với thực tiễn hiện nay tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 của Chính phủ.

Thứ ba là bám sát kết quả tổng kết, đánh giá thực trạng quản lý cây xanh, công viên đô thị để giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn; tham khảo hợp lý kinh nghiệm quốc tế trong quản lý phát triển cây xanh, công viên đô thị.

Thứ tư là có các chính sách, quy định cụ thể để huy động các nguồn lực tham gia vào đầu tư phát triển cây xanh, công viên công cộng đô thị nhằm tăng diện tích không gian xanh công cộng đô thị, góp phần nâng cao chất lượng môi trường đô thị và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Thứ trưởng đánh giá, Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng để Bộ Xây dựng hoàn thiện nội dung của Nghị định, giúp các quy định đầy đủ hơn, đi vào thực tiễn hơn và tạo động lực mới cho cây xanh, công viên đô thị ngày càng phát triển hơn tại các đô thị trên cả nước.

Cần phải tạo ra cơ chế, chính sách để huy động được các nguồn lực

Báo cáo tóm tắt một số nội dung của dự thảo Nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị, đại diện cơ quan soạn thảo là Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, Nghị định bao gồm 5 chương, 64 điều.

Trong đó, chương I là phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các quy định chung liên quan đến hoạt động quản lý cây xanh và công viên đô thị.

Chương II là quản lý cây xanh đô thị với 2 mục: Tổ chức quản lý, duy trì cây xanh đô thị và quản lý, sử dụng, khai thác tài sản hạ tầng cây xanh đô thị do Nhà nước quản lý.

Chương III là quản lý công viên đô thị với 2 mục: Tổ chức quản lý, vận hành công viên đô thị và quản lý, sử dụng, khai thác tài sản hạ tầng công viên đô thị do Nhà nước quản lý.

Chương IV là quy định về Đề án phát triển cây xanh, công viên đô thị và các phương thức huy động nguồn lực phát triển cây xanh, công viên đô thị. Chương V là các điều khoản thi hành.

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Sở Xây dựng các địa phương, các doanh nghiệp và chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất sự cần thiết phải xây dựng Nghị định. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện chính sách về quản lý cây xanh, công viên đô thị.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Công Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland nhận định, cây xanh và công viên công cộng nói chung là một hạng mục quan trọng của hạ tầng xã hội.

Chính vì thế, việc ban hành chính sách quản lý cây xanh, công viên đô thị phải gắn chặt với mục tiêu phát triển đô thị theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng chính sách trong Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, các đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách quản lý cây xanh, công viên đô thị
Ông Nguyễn Công Hồng cho rằng, Nghị định phải tạo ra cơ chế chính sách để huy động được các nguồn lực để tham gia vào quá trình phát triển cây xanh, công viên đô thị.

Vì vậy, mục tiêu hàng đầu của việc ban hành chính sách quản lý cây xanh, công viên đô thị là tạo ra cơ chế chính sách để huy động được các nguồn lực để tham gia vào quá trình phát triển (đầu tư, xây dựng, bảo vệ…) cây xanh, công viên đô thị.

Hiện nay, tại hầu hết các đô thị lớn, chỉ tiêu đất cây xanh bình quân đầu người thực tế thấp hơn rất nhiều so với quy chuẩn hiện hành. Cụ thể, Hà Nội mới đạt hơn 2m2/người, Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt được lm2/người, Đà Nẵng đạt 2,4 m2/người… trong khi theo quy chuẩn yêu cầu đối với các đô thị loạị I, loại đặc biệt phải đạt tối thiểu từ 6m2 – 7m2/người.

Nguyên nhân chính của thực trạng này là “không tạo ra được nguồn lực và không huy động được nguồn lực” để đầu tư xây dựng các công viên theo quy hoạch được duyệt.

Điển hình như trường hợp quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Quy hoạch chung đến năm 2020, trên địa bàn quận Bình Tân có 5 công viên đô thị với diện tích khoảng 163,5ha. Nhưng đến hết năm 2020 vẫn chưa có bất kỳ công viên nào trong quy hoạch được đầu tư xây dựng do kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và kinh phí thực hiện đầu tư là rất lớn.

Để giải quyết những vướng mắc nêu trên, ông Nguyễn Công Hồng kiến nghị bổ sung quy định về các loại hình dự án phát triển cây xanh, công viên đô thị, tương tự như quy định về loại hình dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.

Dự án phát triển cây xanh, công viên đô thị có thể được thực hiện theo một dự án độc lập hoặc là một hạng mục/dự án thành phần của dự án phát triển đô thị theo quy định của pháp luật về quản lý phát triển đô thị và pháp luật khác có liên quan. Với cách quy định này, cây xanh và công viên đô thị có thể được hình thành nhanh chóng từ nguồn lực ngoài ngân sách.

Ngoài ra, ông Nguyễn Công Hồng cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định như quy định riêng cho các trường hợp đô thị đặc biệt trong công tác quản lý quy hoạch đô thị theo hướng khuyến khích bố trí đất cây xanh, cho phép điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch đối với từng lô đất xây dựng công trình để tăng diện tích cây xanh đô thị…

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện các Sở Xây dựng: Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An…đã kiến nghị một số nội dung như: Giảm bớt tỷ lệ cây xanh trong đô thị; rút ngắn thời gian chặt hạ cây xanh; mở rộng quy định đối với hệ thống cây xanh ngoài đô thị; bổ sung các trường hợp được cấp phép chặt hạ cây xanh đô thị; thay thế cây xanh không còn phù hợp; phân cấp rõ ràng trách nhiệm của các cấp chính quyền; sự tham gia của cộng đồng dân cư…

Nghị định cũng phải xây dựng tiêu chí cụ thể về phân loại cây xanh đô thị, làm rõ quy định quản lý cây cổ thụ, bổ sung quy định về quản lý cây xanh trồng hạn chế và cây xanh chuyên dụng. Sở Xây dựng có thể phối hợp với UBND địa phương để xây dựng Đề án phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

Bên cạnh đó, Nghị định cần rà soát quy định về cấp phép chặt hạ cây xanh, giải phóng mặt bằng, định giá tài sản, đền bù và bàn giao, tiếp nhận tài sản hạ tầng cây xanh, công viên đô thị.

Cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách quản lý cây xanh, công viên đô thị
Hội thảo có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện nội dung của Nghị định, giúp các quy định đầy đủ hơn, đi vào thực tiễn hơn và tạo động lực mới cho cây xanh, công viên đô thị ngày càng phát triển.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá, việc quản lý cây xanh, công viên đô thị phải bắt đầu từ công tác quy hoạch, đầu tư và vận hành. Trong đó, khó khăn lớn nhất đối với các đô thị hiện hữu vẫn là bố trí quỹ đất để phát triển cây xanh, công viên. Vậy giải pháp ở đây là gì?

Đối với các đô thị mới, cần thiết phải có quy định để khuyến khích việc phát triển cây xanh, công viên đô thị. Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét vấn đề cho phép khu vực tư nhân khai thác, quản lý cây xanh, công viên đô thị.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh đã tiếp thu các ý kiến góp ý và cam kết sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo nhanh chóng chỉnh sửa, hoàn thiện Nghị định để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích