Không để hệ thống tiêu úng… bị “chìm”

Ngoài thời tiết ngày càng cực đoan, thì tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng thiếu đồng bộ đã khiến các quận, huyện phía Tây Hà Nội thường xuyên úng ngập khi trời mưa to.

Khắc phục tình trạng này, các đơn vị liên quan đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực thoát nước, bảo đảm tiêu úng nhanh hơn, không để hệ thống tiêu úng… bị “chìm”.

Không để hệ thống tiêu úng... bị
Thi công kênh dẫn La Khê (quận Hà Đông). Ảnh: Kim Văn

Tồn tại nhiều bất cập

Dù chưa đến thời kỳ cao điểm của mùa mưa bão năm 2024 nhưng trong tháng 4 và 5, nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là khu vực phía Tây thành phố, gồm các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Xuân, Thanh Trì… tái diễn cảnh úng ngập sau những trận mưa lớn.

Nguyên nhân theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn là do hạ tầng thoát nước ở khu vực này tồn tại nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Vì vậy, nếu xảy ra mưa với lưu lượng lớn hơn 70mm/giờ, quận Thanh Xuân sẽ xuất hiện 3 điểm úng ngập, quận Bắc Từ Liêm 3 điểm, quận Nam Từ Liêm 1 điểm…

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Nguyễn Huy Hưng cho rằng, khu vực phía Tây thành phố có tốc độ đô thị hóa rất nhanh với nhiều chung cư, khu đô thị, mật độ dân số đông… Trong khi việc tiêu nước cho khu vực phụ thuộc rất lớn vào tốc độ lưu thoát nước của lưu vực sông Nhuệ.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận phóng viên Báo Hànộimới tại lưu vực sông Nhuệ, nhiều đoạn đê thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Trì bị sụt sạt mái, lún nứt bề mặt… có nguy cơ rất cao xảy ra sự cố khi mực nước sông dâng cao trong nhiều ngày. Ngoài ra, bề mặt và lòng dẫn của dòng sông, nhất là đoạn từ cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) đến cống Hà Đông (quận Hà Đông) đang bị thu hẹp và bồi lắng nghiêm trọng, làm suy giảm tốc độ lưu thoát nước.

Trong khi đó, để hỗ trợ tiêu úng cho lưu vực sông Nhuệ, thành phố đã triển khai đầu tư Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố. Tuy nhiên, sau gần 9 năm triển khai, dự án mới hoàn thành các hạng mục thuộc công trình đầu mối là Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Còn hạng mục cứng hóa kênh dẫn La Khê vẫn ngổn ngang đất đá, chưa hoàn thành do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng…

Chứng kiến công trình bị chậm tiến độ, bà Nguyễn Thị Liên, người dân phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) chia sẻ: “Chúng tôi từng rất mừng khi được thành phố quan tâm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng công trình phòng, chống úng ngập cho khu vực này. Nhưng gần 9 năm rồi, dự án vẫn dang dở, niềm hy vọng dần trở thành nỗi thất vọng…”.

Phối hợp các phương án tiêu thoát nước

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn Đinh Công Sơn khẳng định, đơn vị đang phối hợp với quận Hà Đông tích cực triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao cho các nhà thầu thi công theo chỉ đạo của thành phố. Trong ngày 2-6, các nhà thầu đồng loạt huy động máy móc, nhân lực để thanh thải toàn bộ vật liệu tập kết dưới lòng dẫn kênh La Khê, dẫn tối đa lượng nước sông Nhuệ và lưu vực về bể hút Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Thực tế, sáng 2-6, các nhà thầu bắt đầu triển khai việc thanh thải lòng dẫn đoạn thuộc các phường: Yết Kiêu, Ngô Quyền, Dương Nội…

Không để hệ thống tiêu úng... bị
Bảo dưỡng máy bơm tại Trạm bơm Đồng Bông 1 (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Nguyễn Quang

Về công tác tiêu úng trong mùa mưa bão năm 2024, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn khẳng định, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó xây dựng kịch bản với các tình huống mưa cụ thể; thường xuyên duy trì hệ thống thoát nước, sông, hồ điều hòa đồng bộ theo lưu vực gắn với các trọng điểm úng ngập. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục phối hợp các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố trong hỗ trợ tiêu úng cho khu vực nội đô, trong đó có các quận, huyện: Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì…

Liên quan vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Nguyễn Huy Hưng cho hay, công ty đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, xây dựng 4 phương án tiêu thoát nước cho trục chính hệ thống thủy lợi sông Nhuệ…

“Khi xảy ra mưa lớn, Công ty sẽ vận hành các trạm bơm tiêu trong hệ thống để hạ thấp mực nước đệm trên sông Nhuệ; đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội vận hành tối đa các trạm bơm phía bờ tả sông Nhuệ, như: Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Mỗ Lao, Cầu Bươu để hạ thấp mực nước đệm của hệ thống thoát nước trong khu vực nội thành; đóng đập Thanh Liệt, vận hành tối đa công suất Trạm bơm tiêu Yên Sở để hạ thấp mực nước sông Tô Lịch…”, ông Nguyễn Huy Hưng dẫn chứng các phương án.

Để làm tốt nhiệm vụ phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành, hỗ trợ tiêu úng cho khu vực nội thành trong mùa mưa bão năm 2024, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đề nghị các cấp, các ngành tăng cường đầu tư nâng cao năng lực hệ thống thoát nước, như: Nạo vét các đoạn còn lại của sông Nhuệ, sông Đáy, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Trạm bơm Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), Đào Nguyên, Yên Thái (huyện Hoài Đức), Đông Mỹ (huyện Thanh Trì)…

Thực tế tình hình úng ngập những năm qua không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn gây thiệt hại về kinh tế, đảo lộn sinh hoạt của người dân. Vì vậy, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống tiêu thoát nước khu vực nội thành và ngoại thành là cấp thiết, nhất là khi thời tiết, thiên tai có xu hướng ngày càng cực đoan, khó lường.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích