Thí điểm cơ chế đặc thù: “Nếu không làm, muôn đời chiếc áo cơ chế vẫn chật”
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nghị quyết cho địa phương chính sách mới, khác biệt nhưng cần kèm theo các chính sách về phân cấp, phân quyền thì chính sách đặc thù mới thực sự đi vào cuộc sống.
Phiên thảo luận ở tổ 3, chiều 31/5, Kỳ họp Quốc hội thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Nhấn mạnh “chiếc áo cơ chế đang chật so với cơ thể cường tráng của đất nước như ở tuổi 18 đôi mươi nên cần phải có chiếc áo khác rộng hơn để phát huy được nguồn lực, phát triển đất nước nhanh và bền vững,” Phó Chủ tịch Quốc Hội Trần Quang Phương cho rằng việc triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đối với tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng là rất cần thiết.
Cần phân cấp phân quyền, giao trách nhiệm
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ chiều 31/5, Kỳ họp thứ 7, về nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ mong muốn việc triển khai thí điểm sẽ hiệu quả để nhân rộng ra cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết từ đầu nhiệm kỳ này, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã bàn tới việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển kinh tế hiệu quả. Việc triển khai đầu tiên là đối với các địa phương có thế mạnh tăng trưởng về ngân sách, có nguồn thu đóng góp cho ngân sách Nhà nước hay các thành phố lớn, “đầu tàu” của các trung tâm kinh tế, cũng như “đầu tàu” của đất nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Để triển khai hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh nhiều lần khi Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặt ra một số câu hỏi như chính sách hiện nay đặc thù chưa? vượt trội chưa? địa phương đề cập tới có thế mạnh gì? Từ đó Quốc hội đặt ra yêu cầu: “Cần phải thiết kế chính sách đặc thù làm sao để có tính khả thi nhưng không phá vỡ hệ thống pháp luật, bảo đảm sự thống nhất.”
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù liên quan nhiều đến thủ tục hành chính, đặc biệt là việc phân cấp phân quyền.
“Chúng ta cho địa phương chính sách mới, khác biệt nhưng kèm theo đó là các chính sách về phân cấp, phân quyền để cải cách thủ tục hành chính về trình tự, quy trình thủ tục thì chính sách mới đi vào cuộc sống,” Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, nhiều chính sách đặc thù, vượt trội nhưng nếu không kèm theo các điều kiện đi kèm thì khó triển khai hiệu quả; kể cả Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; và cả chính sách đặc thù phát triển tới đây cũng vậy.
Dẫn bài học kinh nghiệm qua nghiên cứu thực tế tại Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết toàn bộ các cơ quan đã xuống giúp cho Thượng Hải xây dựng, thiết kế chính sách và hiện nay đang triển khai khu thương mại tự do rất lớn và hiệu quả, trong đó việc phân cấp, phân quyền được làm triệt để.
“Do đó cách làm chủ yếu, tôi nghĩ vẫn là phân cấp, phân quyền. Tức giao hẳn cho địa phương làm và chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Các cơ quan Trung ương chỉ làm thế nào để giúp địa phương triển khai hiệu quả, chứ không xuống bắt bẻ tại sao vướng cái này, vướng cái kia,” Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ thêm.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền cho thành phố Đà Nẵng triển khai thí điểm khu thương mại tự do đầu tiên là cần thiết, bởi địa phương này đất hẹp, người không đông.
Tiềm năng khoáng sản ở tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Với tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh những chính sách thí điểm hiện nay rất phù hợp với đặc thù của địa phương. Trên cơ sở tính toán nhiều mặt, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất.
“Rất mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ. Còn bây giờ cứ ngồi bàn mãi là có đúng với luật này, luật kia mà không thí điểm thì sẽ rất khó. Như thế thì muôn đời cái áo thể chế của chúng ta sẽ chật, không nở ra được so với cơ thể phát triển của đất nước. Do đó, theo tôi thì phải làm cái đã, có làm mới vỡ vạc ra; từ đó tổng kết, đánh giá và luật hóa, nhân rộng được,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Minh định cơ chế để tránh bị vướng
Nêu ý kiến đồng tình với nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh (Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) cho rằng việc này rất cần thiết để địa phương phát huy tiềm năng, bứt phá để phát triển.
“Mặc dù trong nhiều năm qua, Trung ương rất quan tâm, có những nghị quyết về phát triển tỉnh Nghệ An, nhưng vẫn còn thiếu cơ chế chính sách; từ đó dẫn đến chủ trương, quyết tâm chính trị thì có nhưng cơ sở pháp lý để thực hiện lại rất khó. Vì vậy, Nghệ An cũng chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế,” ông Chinh chia sẻ.
Từ thực tế trên, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn đề nghị Trung ương cần phân cấp phân quyền rõ ràng, “đã giao thì cần phải gắn với trách nhiệm thực hiện,” để các địa phương được cho thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù triển khai hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn phát biểu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Là địa phương được chọn thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết trong báo cáo đề xuất ban đầu, tỉnh này đã chuẩn bị nội dung rất chi tiết và mạnh dạn đề nhiều rất nhiều chính sách như về tăng cường nguồn lực đầu tư; đặc biệt là giao quyền phân cấp phân quyền cho tỉnh để thực hiện trong các lĩnh vực cần thiết đầu tư phát triển.
Tuy nhiên trải qua nhiều “vòng” xin ý kiến, hiện nay còn lại 14 chính sách.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng lưu ý một số nội dung điều chỉnh do yêu cầu của các bộ, ngành không thống nhất, dẫn đến sự thay đổi. Đơn cử như khi xác định số vốn cân đối bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đã không tính đến việc cân đối thuế từ các cơ sở sản xuất, chế biến và hoạt động khai thác khoáng sản ở trên địa bàn miền Tây (các huyện miền Tây, Nghệ An).
“Chúng tôi đề nghị là cả tỉnh Nghệ An, Bộ Tài chính đồng ý, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đề nghị trên địa bàn miền Tây. Đúng ra là cho trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì sẽ phù hợp hơn,” Bí thư Thái Thanh Quý nêu quan điểm.
Dẫn bài học từ nghị quyết đặc thù về việc trao thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (triển khai tại nhiều tỉnh, trong đó có tỉnh Nghệ An) nói về câu chuyện “2 lúa” – “1 lúa” (đất trồng lúa nước 1 vụ, 2 vụ) triển khai từ năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho hay: “Lúc đầu ghi là 2 lúa và từ 2 lúa đã chuyển ngược; đã cho chuyển đổi rồi thì 1 lúa là đương nhiên, nhưng sau đó mắc, không làm được.”
Vì thế, tại phiên thảo luận ở tổ 3, diễn ra chiều nay, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết các đại biểu Quốc hội của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị nội dung trong dự thảo nghị quyết cần phải minh định rõ ràng, để khi triển khai sẽ không bị vướng./.
Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, bao gồm: Quản lý tài chính – ngân sách nhà nước (4 chính sách); Quản lý đầu tư (6 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách). |
Nguồn: Báo xây dựng