Đề xuất tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị định điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây gọi là dự thảo Nghị định).

Hơn 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng

Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 20) được thực hiện từ ngày 1/7/2021. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay, cả nước có khoảng 3,356 triệu người, chiếm khoảng 3,356 % dân số, đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng.

Con số này bao gồm 1,4 triệu người hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi, 1,6 triệu người hưởng chế độ trợ cấp đối với người khuyết tật, 21 nghìn trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, 146 nghìn trẻ em dưới 3 tuổi, 84 nghìn người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi và hơn 349 nghìn hộ gia đình đang chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng và đối tượng bảo trợ xã hội.

Đến nay, cả nước có khoảng 3,356 triệu người, đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng.

Cùng với đó là công tác thực hiện hỗ trợ hộ gia đình có người chết, mất tích; hỗ trợ chi phí điều trị đối với người bị thương; hỗ trợ làm nhà mới, hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho hộ; thực hiện hỗ trợ cho người thiếu đói. Chỉ riêng từ năm 2021 đến năm 2023, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 210.000 tấn gạo cứu đói cho 3,5 triệu hộ với gần 15 triệu lượt nhân khẩu.

Đề xuất tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng
Ảnh minh hoạ.

Hằng năm, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 27.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục được triển khai thông qua tổ chức dịch vụ chi trả bưu điện tại 61/63 tỉnh, thành phố.

Việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và ổn định chính trị đất nước.

Bảo đảm đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội

Sau gần 3 năm có hiệu lực, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 20 đã nảy sinh một số vấn đề bất cập, vướng mắc, cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp tình hình thực tiễn. Cụ thể, có ba bất cập dưới đây.

Thứ nhất, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng chậm so với quá trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Mức chuẩn này cũng rất thấp so với mức sống tối thiểu của người dân, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025, hiện đang áp dụng là 1,5 triệu đồng.

Tính từ năm 2021 đến nay, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng là 26,5% (từ 1,624 triệu đồng lên 2,055 triệu đồng); mức tăng lương cơ sở sau 4 năm là 20,8% (từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng).

Mức chuẩn trợ giúp xã hội hiện nay là 360.000 đồng/tháng, tăng chậm so với quá trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Mức chuẩn này cũng rất thấp so với mức sống tối thiểu của người dân, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025, hiện đang áp dụng là 1,5 triệu đồng.

Dự kiến hiện nay, từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng 35,7% (từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng), mức lương cơ sở dự kiến tăng 30%, lên 2,34 triệu đồng.

Như vậy, mức chuẩn ưu đãi người có công từ 2021-2024 dự kiến điều chỉnh tăng 62,2%; mức lương cơ sở dự kiến điều chỉnh tăng 50,8%. Do đó, việc điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội để bảo đảm đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội là cần thiết

Thứ hai, tốc độ trượt giá tiêu dùng giai đoạn 2021-2024 là 14%.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Việt Nam giai đoạn 2021-2024 dự kiến tăng khoảng 14% . Việc giá của các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng hằng ngày của người dân tăng lên trong khi mức trợ cấp xã hội không thay đổi khiến cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, từ tình hình thực tế mức chuẩn trợ giúp xã hội chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người dân, để bảo đảm đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội, đã có 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định số 20; có 32 tỉnh, thành phố đã quy định bổ sung đối tượng khó khăn trên địa bàn được hưởng chính sách.

Do vậy, việc xây dựng Nghị định điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20 là cần thiết.

Tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng

Dự thảo Nghị định nói trên được xây dựng nhằm bảo đảm quyền an sinh cho đối tượng hưởng lợi, nhất là người dân khó khăn đều được sự hỗ trợ của Nhà nước; từng bước nâng cao chất lượng chính sách trợ giúp xã hội nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

Dự thảo Nghị định điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tăng 38,9%, đáp ứng bằng một phần ba chuẩn nghèo khu vực nông thôn và bằng một phần tư chuẩn nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2021-2025.

Ước tính, tổng kinh phí năm 2024 là 32.293 tỷ đồng, tăng thêm 4.718 tỷ đồng thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024. Nguồn lực này để thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng với mức chuẩn trợ giúp xã hội 500.000 đồng/tháng cho khoảng 3,356 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và 349.000 đối tượng hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc.

Dự thảo Nghị định điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tăng 38,9%, đáp ứng bằng một phần ba chuẩn nghèo khu vực nông thôn và bằng một phần tư chuẩn nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2021-2025.

Việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội hằng tháng để bảo đảm đời sống cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Hiến pháp năm 2013 và thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Đối với các chính sách miễn giảm một số dịch vụ thì ngân sách nhà nước không cấp, các cơ quan, tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện, không làm tăng chi ngân sách nhà nước.

Nếu được thông qua, dự thảo Nghị định dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

H.P

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích