Con 4 tuổi phát hiện lỗi giao thông trên đường nhờ sáng tạo hàng ngày của bố mẹ

Con 4 tuổi phát hiện lỗi giao thông trên đường nhờ sáng tạo hàng ngày của bố mẹ

Để con nhận thức và hình thành thói quen, ngay từ khi con còn nhỏ, chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc đã có cách dạy con ý thức giao thông đầy sáng tạo, gợi hứng thú.

Tai nạn giao thông đang là vấn nạn của xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người. Vì thế, sự giáo dục của cha mẹ về luật giao thông là việc làm quan trọng để trang bị kiến thức và kỹ năng cho con về giao thông ngay từ khi còn nhỏ.

Dù chưa 3 tuổi nhưng cậu con trai của chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã hiểu và nắm được hết tất cả các nguyên tắc khi tham gia giao thông.

“Tôi giáo dục con ý thức tham gia giao thông ngay từ nhỏ để con hiểu được trách nhiệm của mình khi đi ra ngoài phải chấp hành đúng an toàn giao thông. Bởi lẽ đây là vấn đề rất thiết thực trong cuộc sống, bảo vệ tính mạng của con và mọi người xung quanh”, chị Ngọc nói.

Empty

Chị Ngọc cùng con học về chủ đề giao thông qua tranh, ảnh,…. để tạo hứng thú cho bé

Chia sẻ về cách dạy con tuân thủ quy định giao thông, chị Ngọc cho biết, chị thường mua những quyển sách kích hoạt thông minh cho bé và nhiều món đồ chơi là các phương tiện tham gia giao thông. Con chị rất thích ô tô nên mỗi lần được bố mẹ mua đồ chơi mới, con hào hứng vì đúng đam mê của mình.

“Mỗi ngày tôi dành 30 phút dạy con nhận biết phần đường dành cho người đi bộ thông qua các tranh ảnh, loto về giao thông đường bộ. Từ đó, tôi chỉ cho con biết đâu là vỉa hè, đâu là phần đường dành cho người đi xe ô tô, xe máy, xe đạp, đâu là phần đường dành cho người đi bộ và giải thích cho con tại sao phải tuyệt đối tuân theo các quy định đó”, chị Ngọc chia sẻ.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là trên sách vở, để con áp dụng thực tế, chị Ngọc đã mua cho con bộ đồ chú công an, cảnh sát con vốn rất thích. Cu cậu bảo: “Công an là anh hùng, chuyên bắt kẻ xấu và không chấp hành giao thông”.

“Mặc bộ công an này cháu phấn khởi lắm, tôi đóng vai là người vi phạm giao thông, cháu liền tuýt còi và hướng dẫn điều chỉnh theo đúng quy định.

Giờ hỏi bé các nguyên tắc khi tham gia giao thông như thấy đèn giao thông thì phải đi như thế nào, đi ra ngoài phải đi bên nào cho…, bé đều nắm được hết. Tôi vui khi thấy con nhận thức được như vậy dù con còn nhỏ”, chị Ngọc chia sẻ.

Empty

Đóng vai công an để con hiểu và luôn chủ động khi tham giao thông

Khác với chị Ngọc, anh Nguyễn Quang Hải (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) lại có cách dạy con tham gia giao thông theo cách riêng.

“Vì trẻ rất hứng thú xem tivi nên mỗi ngày tôi cho bé xem khoảng 10 – 15 phút các nội dung liên quan đến giao thông từ bộ phim đến bài hát liên quan. Hào hứng xem nên bé nhận thức rất nhanh và hiểu được những quy tắc tham gia giao thông.

Có lần xem, thấy trong tivi có bạn đi sai đường, cô con gái 4 tuổi liền bảo tôi: “Bố ơi, bạn này đi sai đường rồi, phải đi bên tay phải chứ”, tôi mới bảo con “Bạn đi bên trái là đúng rồi”, con liền phản bác lại ngay: “Bố nhầm rồi, đi bên phải mới đúng”, thấy con nói vậy tôi rất vui mừng vì con hiểu rất rõ luật giao thông”, anh Hải chia sẻ.

Theo anh Hải, trẻ nhỏ chưa ý thức cao về an toàn giao thông nên cách dạy hữu hiệu nhất là kết lý thuyết và thực hành cụ thể. Nhất là mỗi lần cùng con ra ngoài, anh lấy hình ảnh từ thực tế tham gia giao thông để phân tích, đồng thời giảng giải cho con hiểu thế nào là tham gia giao thông đúng pháp luật.

Anh Hải nói: “Nhiều khi tôi đi đường đón con, qua các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, dù chỉ còn 3 giây nữa thôi nhưng tôi cũng dừng lại, dù là sắp đèn vàng. Một số người đi xe máy cố tình vượt thì tôi chỉ con bảo những người kia vi phạm luật, con không được đi như thế vì rất nguy hiểm.

Mỗi bước chân của con luôn có bố mẹ dõi theo, vì vậy con phải luôn đi đúng đường, chấp hành nguyên tắc khi tham gia giao thông thì con mới ngoan, bố mẹ mới yêu thương con”.

Có thể nói, bên cạnh chính bản thân bố mẹ phải làm gương cho con mỗi khi tham gia giao thông thì mỗi phụ huynh như chị Ngọc, anh Hải hay nhiều bậc làm cha làm mẹ lại có phương pháp hướng dẫn và giáo dục con về luật giao thông theo cách riêng.

Cùng với đó, an toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi gia đình và toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông là bảo vệ bản thân, gia đình và người khác. Vì vậy, việc giáo dục trẻ – “mầm non đất nước” nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ an toàn giao thông là vệc làm thiết thực bảo vệ sức khỏe và tính mạng của con.

Bạn cũng có thể thích