Thừa Thiên – Huế: Khó khăn trong việc cấp phép khai thác, đấu giá khoáng sản tại các hồ thủy điện
(Xây dựng) – Từ năm 2010 đến nay, sau khi các công trình thủy điện tích nước, các hồ chứa nước trở thành bể lắng cát sỏi. Phương án thí điểm nạo vét tại các hồ chứa thủy điện vẫn gặp khó khăn trong việc cấp phép theo phương thức đấu giá khoáng sản, hay không thông qua đấu giá theo quy định.
Do các thuỷ điện không có cửa xả đáy khiến lượng cát sỏi từ thượng nguồn bổ sung về hạ nguồn cho các con sông, không còn gây nên tình trạng thiếu cát xây dựng trầm trọng. |
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế ngoài các dự án thủy điện nhỏ, có các công trình thủy điện chính như: Thuỷ điện A Lưới, Hương Điền, Bình Điền… và công trình Tả Trạch vừa là công trình thủy lợi, nhiệm vụ chính là phòng, chống lũ, lụt và cấp nước cho hạ lưu, vừa kết hợp phát điện thương mại. Tất cả các dự án thuỷ điện, thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh đều không có hệ thống cửa xả đáy. Do vậy, từ khi đi vào hoạt động lượng cát, sỏi từ thượng nguồn bổ sung về được bồi lắng giữa lòng hồ.
Theo một nghiên cứu của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Sau khi các công trình thủy điện tích nước, hạ lưu các con sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế mất đi nguồn cát sỏi trong xây dựng, bởi các hồ chứa nước trở thành bể lắng, theo lẽ tự nhiên từ trước đến nay, nguồn cung cấp cát sỏi trên các con sông ở Thừa Thiên – Huế luôn được bồi đắp sau các mùa lũ, ước tính mỗi năm có khoảng từ 1,3-1,7 triệu m3 do mưa lũ trôi về bổ sung vào lòng sông. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở đi, khi các dự án thủy điện, thủy lợi đã xây dựng xong và đi vào hoạt động thì lượng cát sỏi từ thượng nguồn bổ sung về hạ nguồn các con sông sẽ không còn, chính đây là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu cát xây dựng trầm trọng.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có phương án thí điểm dự án nạo vét, cải tạo dòng chảy và đảm bảo dung tích hồ chứa thủy điện Bình Điền và Hương Điền. UBND tỉnh cho rằng: Việc nạo vét lòng hồ thủy điện là cần thiết để đảm bảo an toàn cho các hồ thủy điện, hạn chế gây ảnh hưởng ngập cho vùng thượng lưu, ven sông, suối và các dòng sông. Đồng thời, cung cấp nguồn khoáng sản (đất san lấp, cát, sỏi…) phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy trình cấp phép nạo vét, cải tạo dòng chảy và đảm bảo dung tích các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến việc thí điểm dự án nạo vét, cải tạo dòng chảy và đảm bảo dung tích hồ chứa thủy điện Bình Điền và Hương Điền yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp các Sở, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến: Bảo vệ môi trường, việc đảm bảo dòng chảy, phạm vi quản lý lòng hồ, vị trí đổ thải, bến bãi tập kết cát, sỏi tận thu trong quá trình nạo vét thí điểm… theo quy định.
Phương án nạo vét, cải tạo dòng chảy và đảm bảo dung tích hồ chứa thủy điện Bình Điền, Công ty Cổ phần Thủy điện Bình Điền hoàn thiện hồ sơ, gửi Sở Công Thương thẩm định; hoàn thiện dự án thí điểm nạo vét, cải tạo dòng chảy và đảm bảo dung tích hồ chứa thủy điện. Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các thủ tục về đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Phương án nạo vét, cải tạo dòng chảy và đảm bảo dung tích hồ chứa thủy điện Hương Điền, Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Điền phối hợp đơn vị liên quan xác định vị trí cụ thể, để làm cơ sở trình cấp thẩm quyền cấp phép theo quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện các thủ tục về đánh giá tác động môi trường, thủ tục đất đai, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá kết quả nạo vét giữa kỳ, cuối kỳ. Trường hợp thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá, chủ đầu tư các dự án chịu trách nhiệm chi trả.
Theo chủ đầu tư các hồ thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế: Hoạt động nạo vét lòng hồ phát sinh khoảng sản là cát sỏi nên các chủ đầu tư hồ đề xuất UBND tỉnh cấp phép khai thác để phục vụ các nhu cầu về vật liệu xây dựng. Các chủ đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ về bảo vệ môi trường, việc đảm bảo dòng chảy, phạm vi quản lý lòng hồ, vị trí đổ thải, bến bãi tập kết cát… Tuy nhiên, đến nay vẫn gặp vướng mắc về các thủ tục, nên chưa thể triển khai được.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có một số hồ thủy lợi, thủy điện xin thực hiện nạo vét lòng hồ nhằm tăng dung tích chứa nước. Trong đó, hồ thủy điện Bình Điền, hồ thủy điện Hương Điền được thực hiện từ vốn đầu tư của chú hồ (vốn đầu tư của doanh nghiệp); hồ Tả Trạch được đầu tư từ vốn ngân sách. Qua rà soát các quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy khó khăn trong việc giải quyết đề nghị cấp phép theo phương thức đấu giá khoáng sản, hay không thông qua đấu giá theo quy định tại Điều 65 của Luật Khoáng sản 2010. Bởi, việc nạo vét hồ được các chủ đầu tư hồ lập kế hoạch, thực hiện các thủ tục liên quan, đầu tư vốn và tổ chức thực hiện. Do vậy, việc cấp phép khoáng sản cát sỏi phát sinh từ nạo vét hồ có cần được ưu tiên cho chủ đầu tư hay không nhằm hỗ trợ vấn đề một phần hoàn vốn đầu tư nạo vét hồ.
Nguồn: Báo xây dựng