Hiểm họa từ rác thực phẩm ngổn ngang khắp tuyến phố Hà Nội

Hình ảnh những bãi tập kết rác, những điểm trung chuyển rác thải ngổn ngang không khó để bắt gặp trên các tuyến phố tại Hà Nội. Bất kỳ khoảng trống nào có thể tận dụng được kể cả trước trường học, gần các cơ quan đoàn thể, trước cửa khu dân cư… đều có thể được người dân trưng dụng thành trở thành bãi chứa rác thải sinh hoạt.

Đặc biệt tại một số điểm tập kết rác theo quy định, có nhiều xe chở rác trong tình trạng quá tải, dù đã được che đậy nhưng vẫn bốc ra mùi hôi thối, nhất là vào những ngày nắng hè. Còn tại vô số các điểm tập kết rác phát sinh khác, các túi nilon đựng chất thải bị vứt ngổn ngang tràn xuống cả lòng đường, rác vương vãi ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông.

Tại đoạn đối diện trường Đại học Văn hoá Hà Nội trên đường Đê La Thành (quận Đống Đa), điểm thu gom rác nằm ngay cạnh điểm chờ xe bus đang là nỗi ám ảnh của nhiều người đợi xe tại đây.

Ghi nhận tại điểm tập kết rác ở phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), rác thải chồng chất, ngổn ngang và bốc mùi hôi thối. Đáng chú ý, chiếm lượng lớn là các loại rác thực phẩm, chủ yếu là thức ăn thừa, chất thải thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến như mỡ động vật, vỏ hải sản, rau úa vàng, hoa quả hư hỏng, gốc rễ,…

Những bãi rác phát sinh do thói quen xả rác của người dân thường án ngự ngay trên vỉa hè đã trực tiếp gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển thủ đô xanh – sạch – đẹp. Vỉa hè biến thành nơi chất rác, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường. Bên cạnh đó, những điểm tập trung rác lâu ngày không được tẩy rửa, làm sạch thường xuyên, chất bẩn tích tụ theo thời gian đang dần ăn mòn mặt đường, tạo thành những vũng nước đọng bốc mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường xung quanh.

Rác thải thực phẩm đang gây ra không ít hệ lụy cho sức khỏe và môi trường cần có phương pháp xử lý, phân loại theo tiêu chuẩn quy định. Ảnh: báo Pháp luật

Nghiêm trọng hơn, nước rác rỉ ra từ những bãi rác này lâu ngày có thể ngấm xuống nguồn nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước. Những chiếc xe chứa rác thải chỏng chơ dưới lòng đường cũng là một nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường xẩy ra ùn ứ khi phương tiện di chuyển trên đường.

Theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), rác thải thực phẩm là một trong số những loại bắt buộc người dân phải thực hiện phân loại tại nguồn. Đáng nói, nếu như khu vực ngoại thành, mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ đã bước đầu phát huy tác dụng, rác thực phẩm được người dân tận dụng làm phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn trong chăn nuôi. Trái lại, trong nội thành nhiều gia đình, hộ kinh doanh vẫn để chung rác thực phẩm với các loại rác khác, thậm chí tại các khu chợ cóc, chợ dân sinh rác thực phẩm còn bị vứt ngổn ngang giữa đường làm mất mỹ quan đô thị.

Chỉ riêng tại Hà Nội, mỗi ngày có khoảng hơn 3.600 tấn rác thực phẩm chưa phân loại cho thấy phân loại rác tại nguồn nói chung và phân loại rác thực phẩm nói riêng vẫn là bài toán khó. Nguyên nhân của thực trạng này một phần đến từ việc người dân còn mơ hồ trước khái niệm phân loại rác.

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang đe dọa toàn cầu, bên cạnh rác thải nhựa, rác thực phẩm cũng đang tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không được phân loại đúng cách. Theo đó, rác thực phẩm đang làm biến đổi khí hậu khi sản sinh ra khí metan – một loại khí gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình phân hủy. Các thông số cho thấy khí metan từ rác thải thực phẩm tạo ra 3,3 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm và chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải toàn cầu.

Ngoài ra, nguồn rác thải thực phẩm này sẽ ngấm xuống đất, gây ô nhiễm đất và nước. Theo TS. Hoàng Dương Tùng – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT nhận định, rác thực phẩm dễ gây ô nhiễm, bởi khi phân huỷ loại rác này tạo ra nước rỉ rác, không chỉ gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm mà còn gây ra các vấn đề về môi trường và sức khỏe.

Trên thế giới, để giải bài toán trên các quốc gia đã triển khai nhiều hành động quyết liệt. Điển hình như Hàn Quốc, kể từ những năm 1980, nước này đã thực hiện nhiều nỗ lực lập pháp để giảm lãng phí thực phẩm, hầu hết thực phẩm dư thừa hàng ngày sẽ được xử lý thành thức ăn gia súc, phân bón, nhiên liệu sưởi ấm nhà cửa… giúp tái chế khoảng 95% lượng thực phẩm tồn đọng. Với tính hiệu quả cao, mô hình xử lý rác thực phẩm của Hàn Quốc đã được nhiều chuyên gia quốc tế nghiên cứu và áp dụng, trong đó có Việt Nam.

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều công ty cung cấp giải pháp về môi trường, trong đó có mô hình tái sử dụng lại – tái chế rác thực phẩm. Với rác thực phẩm là cơm thừa, thức ăn thừa sẽ được vận chuyển đến các trang trại làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Những loại rác còn lại không tận dụng làm thức ăn sẽ chuyển đến các cơ sở làm phân bón hữu cơ. Phần chất thải vô cơ còn lại như vỏ trứng, vỏ ốc, vỏ sò,… sau khi được phân tách sẽ được tiền xử lý cắt nhỏ và phối trộn cùng các loại chất thải công nghiệp khác.

Tuy nhiên, việc tái chế này chỉ thực sự có hiệu quả khi phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen của người dân. Vì vậy, trước mắt giải quyết việc phân loại rác thải tại nguồn là hết sức cần thiết và cấp bách.

Thực tế cho thấy, chính quyền địa phương cần xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, chương trình nhằm triển khai mô hình quản lý, phân loại, vận chuyển rác thải tại nguồn. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn phân loại chất thải sinh hoạt đến từng người dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn, từng bước tạo nên ý thức của Nhân dân về phân loại rác thải. Từ đó làm tiền đề cho việc triển khai thực hiện chương trình phân loại rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Khi ấy, không chỉ có rác thực phẩm được chuyển hoá thêm một vòng đời có lợi mà còn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13753:2023 về cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt- yêu cầu kỹ thuật

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13753:2023 về cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) bằng công nghệ đốt- yêu cầu kỹ thuật do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố hướng dẫn, thiết kế xây dựng mới, cải tạo đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, được áp dụng với quy mô công suất từ 50 tấn/ngày đêm.

Theo đó trong quá trình thiết kế cơ sở đốt CTRSH có địa điểm và giải pháp công nghệ cơ bản phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch liên quan được phê duyệt và phương án phân loại chất thải rắn tại nguồn của địa phương để xác định khối lượng, quy mỏ, tính chất đặc thù CTR thuộc phạm vi được thiết kế thu gom, xử lý.

Cơ sở xử lý rác thải thải bằng phương pháp đốt công suất từ 500 tấn/ngày, phải bố trí hệ thống giao thông nội bộ đảm bảo đủ số làn xe, chiều rộng làn xe, tính toán khả năng chịu tải trọng của các xe tải trọng lớn vào ra thu gom, vận chuyển và vận hành, sửa chữa theo quy mô công suất, tiếp nhận hàng ngày (phụ thuộc vào tần suất xe vào – ra, thời điểm xe được lưu thông trong một số giờ cao điểm). Đảm bảo tính toán với tải trọng tối thiểu đối với xe chuyên chở là cho xe cuốn ép 10 tấn đến 15 tấn, hoặc lớn hơn trong trường hợp đô thị có sử dụng trạm trung chuyển (xe có thiết bị nén ép và vận chuyển khối lượng lớn cố tải trọng lên tới 20 tấn). Việc thiết kế hệ thống tiếp nhận phải dựa trên dữ liệu và chủng loại xe của khu vực.

Với cơ sở quy mô lớn trên 1000 tấn/ngày, đường nội bộ vào khu tiếp nhận đến hầm chứa rác/nhà tiếp nhận rác trong cơ sở  bằng công nghệ đốt nên được thiết kế tối thiểu 4 làn xe gồm chiều lên và chiều xuống (vào, ra), không có những đoạn đường gấp khúc, hạn chế điểm mù.

Với cơ sở đốt do có sự phân vùng rác, cần ít nhất 2 cửa tiếp nhận. Tuy nhiên, đề phòng sự cố cửa hỏng nên để tối thiểu 3 cửa tiếp nhận, cần lưu ý rõ đây là số lượng cửa tối thiểu, số lượng cửa cụ thể cần phải tính toán theo số lượng và tần suất xe vận chuyển đến trạm xử lý khi vận hành.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích