Thanh Hóa: Tăng cường quản lý Nhà nước về quy hoạch và thực hiện quy hoạch

(Xây dựng) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Văn bản số 7491/UBND-CN tăng cường quản lý Nhà nước về quy hoạch, thực hiện quy hoạch, bố trí đất cho công trình dịch vụ – công cộng trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa: Tăng cường quản lý Nhà nước về quy hoạch và thực hiện quy hoạch
Những quy hoạch treo, dự án treo đang kéo lùi sự phát triển tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, điển hình là Dự án quảng trường Hàm Rồng.

Trong những năm qua, mặc dù công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm; tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể: Còn có tình trạng quy hoạch bố trí đất công trình dịch vụ – công cộng (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, công viên cây xanh, bãi đỗ xe…) tại một số khu vực giải phóng mặt bằng có tính khả thi thấp (do có nhiều mồ mả, công trình, nhà ở…), hoặc có địa hình không thuận lợi cho xây dựng.

Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt công trình dịch vụ – công cộng, “quy hoạch treo”, “dự án treo”, ảnh hưởng đến đời sống người dân và mỹ quan đô thị. Để giải quyết vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Rà soát, đánh giá việc bố trí đất dịch vụ – công cộng tại các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt và tại các dự án đầu tư khu đô thị mới đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; trường hợp phát hiện bố trí đất dịch vụ – công cộng tại các khu vực khó giải phóng mặt bằng, không thuận lợi xây dựng, phải kịp thời điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch các khu vực phát triển đô thị mới phải chỉ đạo đơn vị tư vấn tính toán bố trí đất công trình dịch vụ – công cộng đảm bảo bán kính phục vụ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, với chỉ tiêu sử dụng đất cao hơn mức tối thiểu; đồng thời phải rà soát, đánh giá kỹ hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng xây dựng để ưu tiên dành quỹ đất giải phóng mặt bằng có tính khả thi cao, thuận lợi xây dựng để bố trí các công trình dịch vụ – công cộng.

Đối với các khu vực hiện hữu trong đô thị, phải ưu tiên dành quỹ đất để bố trí các công trình dịch vụ – công cộng đảm bảo tiếp cận dần đạt đến chỉ tiêu của các khu vực đô thị mới. Đối với các khu giáo dục đào tạo, phải quy hoạch mở rộng để diện tích đảm bảo đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trên cơ sở quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt, phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, để gắn việc phát triển đô thị, phát triển nhà ở đồng thời với việc phát triển hệ thống các công trình dịch vụ – công cộng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của người dân. Tiến hành rà soát toàn diện các khu đô thị đã, đang thực hiện để đánh giá cụ thể tình hình đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ – công cộng, nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ, tương xứng giữa các công trình dịch vụ – công cộng với nhà ở trong khu đô thị.

Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện các bất cập, chưa hợp lý hoặc hệ thống công trình dịch vụ – công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu, cần kịp thời triển khai các biện pháp giải quyết phù hợp hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Sở Xây dựng trong quá trình thẩm định, thỏa thuận đối với các đồ án quy hoạch hoặc tham gia ý kiến đối với các đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới, phải rà soát, đánh giá kỹ hiện trạng, cương quyết không để xảy ra tình trạng quy hoạch bố trí đất công trình dịch vụ – công cộng tại khu vực giải phóng mặt bằng có tính khả thi thấp, không thuận lợi xây dựng, phối hợp, có văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích