Cần sớm xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho ngành xây dựng
Mục tiêu và hành động của một số nước trên thế giới về vấn đề giảm phát thải
Theo GS. TS Ngô Đức Tuấn – Giám đốc nghiên cứu giảm carbon Đại học Melbourne, ngành xây dựng là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm nặng nhất. Riêng các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ và phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon. Trong đó, sản xuất vật liệu xây dựng (carbon hàm chứa) đến năm 2050 chiếm phần lớn.
Tại một số nước phát triển như Úc, Vương Quốc Anh, New Zealand đã đưa ra các cơ chế bắt buộc về ngưỡng carbon phát thải, yêu cầu các nhà phát triển bất động sản tính toán toàn bộ năng lượng sử dụng trong xây dựng và vận hành tòa nhà để có thể xin được giấy phép.
Lộ trình giảm phát thải ngành xây dựng ở Mỹ đến năm 2035 phát thải giảm 65%, đến năm 2050 là giảm 90%. Chính sách của Trung Quốc đặt mục tiêu giảm phát thải về 0 đến năm 2060, do đó năm 2030 sẽ đạt đỉnh phát thải, pháp luật chia thành nhiều ngành khác nhau.
Riêng với Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay cùng thực hiện của cả nền kinh tế. Đặc biệt với ngành xây dựng việc giảm phát thải về 0 vào năm 2050 rất thách thức cần những hướng dẫn cụ thể.
Tình hình và mục tiêu của Việt Nam
Ths. Trần Phương – Trưởng phòng Công trình xanh và Tiết kiệm năng lượng, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng cho biết, theo Đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC), Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và 27% bằng nguồn lực hỗ trợ quốc tế. Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ chấm dứt chặt phá rừng và đến năm 2040 sẽ xóa bỏ sản xuất điện than. Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cũng theo Ths. Trần Phương để giảm được phát thải khí nhà kính ngành xây dựng cần tính toán carbon vòng đời của từng công trình tham khảo theo Tiêu chuẩn EN 15978:2011 và EN 15804:2012 để tính toán lượng carbon vận hành và carbon hàm chứa trong mỗi công trình tòa nhà.
Theo đó, việc giảm phát thải carbon ngành xây dựng sẽ tập trung vào chung cư cao tầng đến các văn phòng dần đến nhà ở riêng lẻ. Cụ thể bằng việc tìm vật liệu thay thế như gỗ – vật liệu có tiềm năng thay thế cho bê tông và thép, để xác định lượng carbon từ sản xuất đến kết thúc vòng đời. Ưu tiên các vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng để giảm tối đa carbon hàm chứa trong quá trình sản xuất nguyên liệu.
Bên cạnh đó cần căn cứ vào những quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước để tính hiệu quả năng lượng của công trình xây dựng, tính toán carbon hàm chứa, và đánh giá carbon vòng đời của công trình xây dựng. Việc áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh sẽ được khuyến khích, tự nguyện. Quy chuẩn kỹ thuật cũ nảy sinh nhiều bất cập như QCVN 09:2017/BXD sẽ cần phải bổ sung thay thế.
Ngoài những tiêu chuẩn, quy chuẩn vai trò của người kỹ sư kết cấu cũng rất quan trọng. Đây sẽ là những người đánh giá và giải quyết vấn đền carbon hàm hàm chứa trong kết cấu từ những giai đoạn thiết kế ban đầu.
Ths. Trần Phương nhấn mạnh, để giảm carbon trong ngành xây dựng cần giảm carbon trong công trình xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và đô thị. Trong đó, giảm carbon trong công trình xây dựng là giảm carbon vận hành (kế hoạch kiểm kê khí nhà kính) và giả carbon hàm chứa đang được áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài. Cần sớm xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn của Việt Nam để khuyến khích thực hiện kế hoạch giảm phát thải nhà kính.
Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình giảm khí nhà kính cho ngành xây dựng. Khuyến khích sử dụng các bộ tiêu chuẩn công trình xanh, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt, có chuyên môn.
Duy Trinh