Nam Phi: Tiêm chất phóng xạ vào sừng tê giác để hạn chế nạn săn trộm

Nam Phi: Tiêm chất phóng xạ vào sừng tê giác để hạn chế nạn săn trộm

Ngày 25/6, các nhà khoa học Nam Phi bắt đầu thử nghiệm tiêm chất phóng xạ vào sừng tê giác sống để dễ phát hiện chúng hơn tại các trạm biên giới, nhằm hạn chế nạn săn trộm.

Nam Phi là nơi sinh sống của phần lớn tê giác trên thế giới, điểm nóng của nạn săn trộm tê giác để lấy sừng do nhu cầu từ châu Á, nơi sừng tê giác được sử dụng trong y học cổ truyền vì được cho là có tác dụng chữa bệnh.

Tại trại tê giác ở Waterberg thuộc tỉnh Limpopo phía đông bắc Nam Phi, nơi một số loài tê giác ăn cỏ có da dày đang được chăn thả, ông James Larkin, Giám đốc đơn vị vật lý sức khỏe và bức xạ của Đại học Witwatersrand, người đứng đầu dự án cho biết, chất phóng xạ sẽ làm cho chiếc sừng trở nên vô dụng, về cơ bản là độc hại đối với con người.

Các nhà nghiên cứu Nam Phi đã thực hiện thành công việc đưa đồng vị phóng xạ liều thấp vào cơ thể 20 con tê giác sống trong một nghiên cứu kéo dài sáu tháng để ngăn chặn nạn săn trộm.

Đây là thông báo của các nhà nghiên cứu tham gia dự án Rhisotope ngày 25/6.

Nhà khoa học James Larkin tại Khoa Vật lý Y tế và Phóng xạ thuộc Đại học Witwatersrand của Nam Phi cho biết mục đích của dự án Rhisotope là sử dụng công nghệ hạt nhân theo hình thức đưa các đồng vị phóng xạ số lượng nhỏ, có thể đo được, vào sừng tê giác để có thể phát hiện được bằng các máy giám sát phóng xạ tại biên giới, cảng biển, sân bay và cửa khẩu.

Bắt đầu từ ngày 24/6, nhà khoa học Larkin và một nhóm chuyên gia hàng đầu thế giới về bảo tồn tê giác, đã tiến hành tiêm thuốc an thần cho 20 con tê giác và khoan một lỗ nhỏ ở sừng của chúng để đưa vào các đồng vị phóng xạ không độc.

tm-img-alt
Một con tê giác được tiêm thuốc an thần nằm bất tỉnh khi giáo sư James Larkin (phải) cẩn thận cấy đồng vị phóng xạ vào sừng của nó. (Ảnh: AFP)

Hiện tại các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi chặt chẽ số tê giác này 24/24h trong sáu tháng tới để xác định tính khả thi của phương pháp này. Theo nhà nghiên cứu Larkin, phương pháp này không gây hại động vật trong khi giúp ngăn chặn nạn săn trộm tê giác.

Các chuyên gia thú y theo dõi chặt chẽ mỗi lượng đồng vị phóng xạ đưa vào và áp dụng các biện pháp chăm sóc đặc biệt để ngăn mọi tác hại đối với động vật.

Sau nhiều tháng nghiên cứu và thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đảm bảo rằng các đồng vị phóng xạ đưa vào không gây bất kỳ nguy cơ nào đối với sức khỏe hay nguy cơ nào khác đối với động vật hoặc những người chăm sóc chúng.

Sẽ có hơn 11.000 máy giám sát phóng xạ được lắp đặt tại các sân bay, bến cảng và cửa khẩu để thực hiện dự án này.

Nhà khoa học Larkin nhấn mạnh mục đích của dự án là giảm giá trị của sừng tê giác đối với những người mua hoặc bán, đồng thời nhà chức trách dễ phát hiện khi sừng tê giác bị vận chuyển lâu qua biên giới.

Trong khi đó, nhà khoa học Lynn Morris, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo tại Đại học Witwatersrand, cho biết nghiên cứu này được thực hiện với hy vọng tạo ra khác biệt thực sự, qua đó ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng loài động vật hoang dã quý hiếm, đặc biệt là ở Nam Phi cũng như trên toàn châu lục.

Theo các nhà nghiên cứu, việc phát triển và áp dụng công nghệ hạt nhân của dự án Rhisotope có thể giúp ngăn chặn nạn săn trộm, tăng khả năng phát hiện sừng tê giác bị buôn bán, truy tố, phát hiện các tuyến buôn bán sừng tê giác và ngăn chặn các thị trường mua bán sừng tê giác.

Nếu thành công, dự án sẽ được mở rộng sang voi, tê tê và các loài động thực vật khác.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích