Bổ sung quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp

Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP theo nội dung cắt giảm, đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP tập trung vào các nhóm chính sách lớn. Mỗi nhóm chính sách bao gồm các chính sách hoặc bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, hoặc đề xuất giải pháp, chính sách mới.

Chính sách thứ 4 được nêu trong dự thảo là bổ sung quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được cấp theo đề nghị của tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Xác định vấn đề bất cập

Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp trong trường hợp tổ chức đánh giá sự phù hợp vi phạm một trong các quy định nhưng chưa quy định trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận và chưa quy định đối với trường hợp thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận theo đề nghị của tổ chức.

Do đó, thời gian vừa qua, một số tổ chức đánh giá sự phù hợp vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật, không vi phạm quy định nhưng do thay đổi về mục đích hoạt động nên đã có đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được cấp.

Tuy nhiên, do Nghị định 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP chưa quy định đối với trường hợp này nên khó khăn cho cơ quan quản lý và tổ chức đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đã được cấp. Do đó, việc bổ sung quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được cấp theo đề nghị của tổ chức đánh giá sự phù hợp là cần thiết.

Mục tiêu giải quyết vấn đề

Bổ sung quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được cấp theo đề nghị của tổ chức đánh giá sự phù hợp.

 Ảnh minh hoạ.

Giải pháp giải quyết vấn đề

Có hai phương án đối với vấn đề này.

Phương án 1: Giữ nguyên quy định như hiện nay tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.

Phương án 2: Bổ sung điều khoản quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được cấp theo đề nghị của tổ chức đánh giá sự phù hợp như sau:

“Điều 26a. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp trong trường hợp tổ chức đánh giá sự phù hợp có nhu cầu dừng hoạt động đánh giá sự phù hợp.

1. Trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, tổ chức đánh giá sự phù hợp có nhu cầu dừng hoạt động đánh giá sự phù hợp, lập 01 bộ hồ sơ nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc gửi qua bưu điện hoặc nộp hồ sơ qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị dừng hoạt động đánh giá sự phù hợp với các thông tin sau: tên tổ chức; địa chỉ liên lạc; thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được cấp; lý do dừng hoạt động đánh giá sự phù hợp. b) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được cấp.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xem xét, quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đã cấp cho tổ chức đánh giá sự phù hợp. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do”.

Đánh giá tác động của các giải pháp

Nếu triển khai theo phương án 1, lợi ích sẽ là không tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để tổ chức thực hiện, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới do vẫn giữ các quy định hiện hành, không có tác động đối với hệ thống pháp luật do quy định không thay đổi.

Tuy nhiên, nếu theo phương án này, Nhà nước sẽ không có căn cứ để xem xét, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp trong trường hợp tổ chức đánh giá sự phù hợp có nhu cầu dừng hoạt động đánh giá sự phù hợp. Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp sẽ không có căn cứ để đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khi có nhu cầu dừng hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Nếu triển khai theo phương án 2, Nhà nước sẽ có căn cứ xem xét, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp trong trường hợp tổ chức đánh giá sự phù hợp có nhu cầu dừng hoạt động đánh giá sự phù hợp. Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp, có căn cứ để đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khi có nhu cầu dừng hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Tuy nhiên, nếu theo phương án này sẽ tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để tổ chức thực hiện. Giải pháp này phát sinh thủ tục hành chính mới (báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính kèm theo) nhưng phù hợp với tình hình thực tế triển khai hiện nay. 

Từ những phân tích nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị lựa chọn phương án 2 là phương án đem lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích