Bình Dương tăng cường ngăn chặn “bán lúa non” trong kinh doanh bất động sản
(Xây dựng) – Việc chào bán, chuyển nhượng bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh là điều không xa lạ. Thời gian qua, nhằm ngăn chặn hoạt động trên, tỉnh Bình Dương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp từ tuyên truyền cho đến xử phạt
Chính quyền cắm biển cảnh báo người dân và nhà đầu tư về Dự án Khu nhà ở Quang Phúc 3 do Công ty TNHH Phát triển nhà Quang Phúc làm chủ đầu tư do chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn. |
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không ít các chủ đầu tư, Công ty phát triển dự án, đơn vị môi giới “lách luật” thực hiện việc tổ chức mua bán huy động vốn dưới các hình thức như “Phiếu yêu cầu quyền ưu tiên, phiếu đặt cọc, phiếu đăng ký nguyện vọng”… Nhiều dự án ban đầu xin chủ trương đầu tư, quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt, nhưng chưa được phép mua bán một số sàn đã tiến hành huy động vốn từ khách hàng. Đây là những giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra tranh chấp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án bất động sản, nhà ở… chưa đầy đủ các điều kiện pháp lý, chưa được huy động vốn. Các dự án đều được Sở công khai thông tin và có nhiều biện pháp để cảnh báo ngăn chặn tình trạng huy động vốn trái phép dưới nhiều hình thức.
“Để hạn chế việc các chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án “bắt tay” với các Công ty môi giới mua bán, huy động vốn dự án khi chưa đủ điều kiện pháp lý. Sở Xây dựng đã yêu cầu các chủ đầu tư cam kết không bán hàng, nhận tiền của người dân. Ngoài ra, Sở cũng có rất nhiều văn bản báo cáo, khuyến cáo trên khắp địa bàn tỉnh, quán triệt với địa phương quản lý chặt các dự án trên địa bàn”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh bất động sản trên địa bàn, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương đã có các văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành cụ thể như: Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương…
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai đến UBND cấp huyện các quy định về xử lý vi phạm về xây dựng theo các quy định hiện hành; một số điểm cần lưu ý trong xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Trong đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương tổ chức kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để các các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng theo chức năng, thẩm quyền được giao.
Theo đó, UBND huyện, thị xã, thành phố sẽ tập trung triển khai các giải pháp, đặc biệt chú trọng việc rà soát để tổ chức cắm “biển báo” và bảo vệ biển báo tại vị trí khu đất đối với các dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn trái phép trên địa bàn; kịp thời kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hoạt động kinh doanh nhà ở thương mại khi tụ tập, tổ chức sự kiện, hội nghị khách hàng để quảng bá, tiếp thị, giao dịch bất động sản không đúng quy định.
Thường xuyên tiếp nhận và xác minh, kiểm tra các nguồn thông tin phản ánh về các hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản tại các dự án nhà ở không đúng quy định để xử lý vi phạm.
Song song với đó, Sở Xây dựng cũng đẩy mạnh các biện pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn, đảm bảo an toàn, chất lượng công trình và mỹ quan đô thị với nhiều hoạt động trọng tâm như: Tăng cường tần suất kiểm tra, thanh tra các công trình xây dựng, tập trung vào các công trình có nguy cơ cao về an toàn, chất lượng; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp phép xây dựng nhằm đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả và rút ngắn thời gian thủ tục; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng cho người dân, chủ đầu tư, nhà thầu thi công…
Nguồn: Báo xây dựng